Cách đây ít ngày, Tổng thống Brazil Michel Temer đã ký sắc lệnh bãi bỏ quy chế bảo tồn thiên nhiên của gần 4 triệu ha rừng Amazon để khai thác khoáng sản. Đây được cho là giải pháp phần nào vực dậy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin bằng việc tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Tuy nhiên, cũng chính quyết định này đang dấy lên làn sóng tranh cãi trong cộng đồng người dân Brazil trước nguy cơ về môi trường.
Khu vực rộng gần 46.000 km2 tại đây đang chứa rất nhiều khoáng sản giá trị như vàng, đồng, sắt. Trong nhiều năm nay, tiềm năng khoáng sản tại đây đã làm bùng nổ cơn sốt vàng.
Những mỏ vàng bất hợp pháp mọc lên như nấm, không chỉ lấy đi tài sản quốc gia, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước. Nhưng nay, 10% khu vực bảo tồn đã được mở cửa để các doanh nghiệp cùng khai thác.
Kế hoạch này được cho là sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế với việc tạo thêm thu nhập, việc làm và nhất là chống lại hoạt động khai thác trái phép. Tuy nhiên, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, hoạt động khai thác mỏ trong khu vực sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mới: như xung đột đất đai, phá huỷ tài nguyên và mất cân bằng sinh thái. Làn sóng phản đối gay gắt đã dẫn đến các cuộc biểu tình, kêu gọi cứu lấy Amazon.
Ước tính, cứ mỗi giây trôi qua, rừng Amazon lại mất đi 1 mẫu đất. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Michel Temer đảm bảo rằng sẽ siết chặt luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, nhưng có lẽ, lời cam kết của ông sẽ khó được người dân tin tưởng sau hàng loạt bê bối tham nhũng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!