“Bóng ma” Delta che khuất triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 24/07/2021 12:24 GMT+7

VTV.vn - Thế giới đang bước vào làn sóng COVID-19 mới do sự xuất hiện của biến thể Delta. Biến thể Delta đang lây lan nhanh và tác động mạnh lên kinh tế thế giới nửa cuối năm 2021.

Số ca mắc mới toàn cầu liên quan đến biến thể Delta tăng nhanh

Các nhà dịch tễ học châu Âu ước tính, vào cuối tháng 8, cứ 10 ca nhiễm mới thì có tới 9 là do biến chủng Delta.

Viện Pasteur của Pháp ước tính, nếu tốc độ lây truyền bệnh tiếp tục như hiện nay thì đến ngày 1/8 số người nhiễm chủng Delta có thể lên đến 35.000 người mỗi ngày.

Biến thể Delta đang lây lan nhanh tại 50 bang của Mỹ và chiếm hơn 80% số ca nhiễm COVID-19 mới tại quốc gia này.

Nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba ập đến Ấn Độ, làn sóng này có thể đến vào cuối tháng 8, đạt đỉnh vào tháng 9, với số ca nhiễm mới có thể dao động từ 200.000 - 500.000 ca mỗi ngày.

“Bóng ma” Delta che khuất triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Một bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Các quốc gia Đông Nam Á đang phải thiết lập lại các biện pháp hạn chế do số ca mắc tăng mạnh liên quan đến biến thể Delta. Điều này đang kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế khu vực.

WHO: Thế giới bước vào sóng COVID-19 mới

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: "19 tháng sau khi đại dịch bùng phát và 7 tháng từ khi vaccine đầu tiên được phê duyệt, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một làn sóng lây nhiễm và tử vong mới".

Đông Nam Á và châu Á đang nhanh chóng trở thành một trong những tâm dịch COVID-19 của thế giới hiện nay.

Hiện các tổ chức quốc tế lớn vẫn đang theo dõi sát tình hình bởi đầu tháng 8 tới, tức chỉ tuần sau, WHO có dự báo làn sóng mới sẽ lan với tốc độ rất nhanh.

ADB hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là tổ chức tài chính lớn đầu tiên vừa hạ dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á và châu Á trong năm nay sau khi tính toán đến sự lây lan của biến thể Delta.

Cụ thể, ADB cho rằng tăng trưởng GDP trong năm nay của Đông Nam Á sẽ chỉ còn 4%, thay vì mức 4,4% trước đó. Còn trên bình diện khu vực châu Á đang phát triển, ADB hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế còn 7,2% so với mức 7,3% đưa ra hồi tháng 4.

Tác động của sự lây lan của biến thể Delta đến kinh tế châu Á

Ông Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh) sẽ cùng bình luận và trao đổi về những tác động của biến thể Delta lên kinh tế thế giới nửa cuối năm 2021. Ông Tuấn đang giảng dạy chuyên ngành Tài chính Kế toán và cũng là một nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường quốc tế.

PV: Trong báo cáo mới nhất, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hiện nay. Châu Á là một khu vực tập trung rất lớn chuỗi cung ứng của toàn cầu. Vậy nếu dịch lan rộng sẽ tác động như thế nào đến kinh tế thế giới?

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh: Hiện Đông Nam Á là một trong những công xưởng sản xuất chính của thế giới. Nhiều sản phẩm chiếm tới 50% gia công toàn cầu. Do vậy, nếu dịch lan rộng vì biến thể Delta, thì tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á bị điều chỉnh giảm không nằm ngoài dự đoán và nó cũng nằm chung trong xu thế của kinh tế toàn cầu, do bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ví lý do đó, nên kinh tế của 2 đầu tàu Mỹ và Trung Quốc đều dự đoán là sẽ tăng trưởng chậm lại cuối năm nay cũng như năm 2022. Diễn biến này đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu Mỹ. Lợi suất trái phiếu giảm mạnh phản ánh tín hiệu một số nhà đầu tư cho rằng lãi suất chính sách của FED sẽ chỉ bắt đầu tăng trong năm 2023. Đây là một thay đổi lớn so với chỉ một tháng trước đây, sau khi FED phát đi tín hiệu rằng lãi suất có thể tăng từ năm 2022. Điều này phản ánh rằng các nhà đầu tư đã kém lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của Mỹ trong nửa cuối 2021 và năm 2022.

“Bóng ma” Delta che khuất triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

ADB hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á trong năm nay. (Ảnh minh họa: Reuters)

Những dấu hiệu cảnh báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang gặp trở ngại

Có thêm 2 dấu hiệu cảnh báo khác được đưa ra để cảnh báo về sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2021 này.

Thứ nhất là Đồng USD tăng giá. Hiện giá đồng bạc xanh vẫn đang ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 3. Bất cứ khi nào người Mỹ lo lắng về tăng trưởng trong nước hoặc trên toàn cầu, họ sẽ hồi hương và mua USD.

Dấu hiệu thứ hai là sự mất giá của nhóm cổ phiếu chu kỳ. Trong những tháng gần đây, các cổ phiếu chu kỳ như: ngân hàng, giải trí và năng lượng… lại đang bị bán tháo. Thay vào đó, các cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là công nghệ đã tăng trên 3% từ đầu tháng 7. Quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock vừa hạ đánh giá cổ phiếu Mỹ xuống mức trung lập trong báo cáo triển vọng mới nhất của mình.

Còn ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, đợt mở cửa kinh tế từ cuối tháng 5 ở nhiều nước khiến xuất hiện hy vọng về một mùa hè của năm COVID-19 thứ 2 sẽ thật sự bùng nổ, thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, diễn biến số ca bệnh tăng mạnh ở Anh và châu Âu đang cho thấy thực tế rằng khi độ phủ vaccine chưa đạt miễn dịch công đồng, rủi ro mắc bệnh với biến thể Delta vẫn đáng kể.

Ngành du lịch châu Âu trước đại dịch đóng góp khoảng 10% GDP, sử dụng 11% lực lượng lao động của khối. Tia hy vọng mới mở ra, nhưng giờ lại có nguy cơ đóng sầm lại vì biến thể Delta.

"Mùa hè châu Âu" có thể điêu đứng vì biến thể Delta

Cách đây vài tháng, dường như ngành du lịch của châu Âu đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Sau 1 năm dài đóng băng vì dịch bệnh, từ Berlin đến Athens cho tới Venice, những thành phố du lịch hoa lệ nhất đã sẵn sàng mở cửa trở lại cho một mùa hè nhộn nhịp du khách quốc tế. Tuy nhiên biến thể Delta đã phủ bóng đen lên hy vọng đó.

Trước đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn cho du khách nhập cảnh, chỉ cần quốc gia mà họ xuất phát có số ca nhiễm thấp. Tuy nhiên hiện các du khách vào vào 2 quốc gia này phải đưa ra được xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính.

Đảo Mykonos, hòn đảo của Hy Lạp thu hút hàng trăm nghìn du khách quốc tế mỗi mùa hè, đã bắt đầu cấm các hoạt động tụ tập đông người, nhảy múa ca hát.

“Bóng ma” Delta che khuất triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 3.

Triển vọng kinh tế của châu Âu đã bị che khuất bởi biến thể Delta. (Ảnh: New York Times)

Bên kia Đại Tây Dương, những vị du khách Mỹ không tránh khỏi lo lắng, đặc biệt nếu họ đã đặt vé để chuẩn bị cho một mùa hè du ngoạn châu Âu.

"Đã qua rồi những ngày chúng ta có thể lên kế hoạch trước một cách chu đáo cho những chuyến đi. Giờ mọi kế hoạch du lịch của nhà tôi đều có thể thay đổi chỉ trong 1 giây", bà Cheryl Brown (Du khách Mỹ) chia sẻ.

Gia đình chị Brown vừa về từ chuyến du lịch tới Bồ Đào Nha và đáng ra đã đi thêm 3 nước châu Âu nữa nếu không có lệnh hạn chế du lịch đột xuất từ chính phủ của các nước đó.

Ngay từ những ngày đầu tháng 7, các lệnh hạn chế mới này đã khiến cổ phiếu châu Âu rung lắc mạnh. Chỉ số STOXX 600 của lĩnh vực du lịch giải trí đã có lúc lao dốc hơn 4%. Đồng Euro cũng chịu áp lực lớn khi tỷ giá Euro so với USD trên đà giảm liên tục trong nhiều tuần trở lại đây.

Dự báo thị trường và dòng tiền nửa cuối năm 2021

Như TS Hồ Quốc Tuấn chia sẻ, có thể thấy nhiều ngành kinh tế dự báo sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn thời gian tới. Vậy dòng tiền sẽ dịch chuyển như thế nào, trong khi thị trường chứng khoán đang cho nhà đầu tư đi tàu lượn quá nhiều?

PV: Là một nhà đầu tư, ông nghĩ sao về dự báo ngắn hạn thị trường khi số ca dự báo tăng nhanh và kinh tế giảm tốc?

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh: Khi số ca tăng nhanh và kinh tế giảm tốc có phần bất ngờ với nhà đầu tư, chứng khoán giảm điểm là chuyện bình thường, nhưng giảm có lớn hay không thì chúng ta lại phải xem xét đến mức độ sử dụng đòn bẩy trong thị trường chứng khoán của từng nước.

Một số nước hiện nay sử dụng đòn bẩy tương đối cao, chẳng hạn ở Mỹ, mức sử dụng margin đang ở đỉnh cao nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Tương tự, mức dư nợ cho vay margin ở Việt Nam cũng lập kỷ lục 145.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2021. Điều này phản ánh nhà đầu tư ở Mỹ cũng như Việt Nam rất lạc quan với triển vọng của nền kinh tế và sử dụng quá nhiều margin.

Khi tình hình dịch bệnh và các con số tăng trưởng kinh tế kém lạc quan hơn, thị trường giảm điểm, khi đó một số nhà đầu tư phải bán cổ phiếu ra để tránh bị thua lỗ nặng và bị bán giải chấp. Trong trường hợp của Việt Nam, với lực bán thời gian qua, lượng margin có lẽ đã giảm xuống vì vậy đã tạo ra đà hồi phục.

Tuần lễ sau rất quan trọng với Mỹ vì nhiều công ty lớn nhất sẽ công bố lợi nhuận và quốc hội Mỹ sẽ quay lại đàm phán về gói chi tiêu hạ tầng. Trong thời điểm đó, các quỹ đầu tư sẽ tiến hành điều chỉnh danh mục. Nếu diễn biến không thuận lợi, Mỹ có thể sẽ tiến hành điều chỉnh mạnh hơn.

PV: Với những nhận định như vậy, ông có đánh giá gì về triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu?

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh: Mặc dù có nhiều bất định trong thời gian trước mắt, nhưng về dài hạn thị trường chứng khoán vẫn có nhiều tiềm năng. Lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào và lợi suất trái phiếu quá thấp sẽ là điều kiện để dòng tiền hướng tới thị trường chứng khoán. Những khó khăn tạm thời của khu vực các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á sẽ được giải quyết từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Có thể thấy quá trình "định giá lại" các công cụ đầu tư như cổ phiếu mấy tuần qua trên toàn cầu để điều chỉnh kỳ vọng từ mức rất lạc quan về mức hợp lý là điều cần thiết trong bối cảnh biến thể Delta dự báo sẽ gây ra một làn sóng dịch mới trong tháng 8.

Trong tuần tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ công bố dự báo "Triển vọng kinh tế thế giới" cập nhật. Trong phát biểu mới nhất, Tổng Giám đốc (IMF) Kristalina Georgieva bày tỏ lo ngại đà phục hồi kinh tế có thể sẽ suy giảm. Rõ ràng sự phục hồi toàn cầu đang đứng trước những thách thức mới. Những chính sách tài khóa và tiền tệ của các chính phủ sẽ cần phối hợp linh hoạt hơn để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Biến thể Delta kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á Biến thể Delta kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á

VTV.vn - Trước đà lây lan nhanh của dịch COVID-19 do biến thể Delta, các nhà kinh tế nhận định đà phục hồi tăng trưởng của Đông Nam Á không còn khả quan như các dự báo trước đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước