Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện phần xăng, dầu về Bộ Công Thương

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 28/10/2022 20:02 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

VTV.vn - Thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát đi tại Quốc hội vào chiều nay.

Chiều 28/10, giải trình, làm rõ về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã cung cấp nhiều thông tin, trong đó đáng chú ý là công tác điều hành xăng dầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhu cầu xăng, dầu của đất nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/1 năm. Về nguồn cung trong nước, chúng ta có 2 nhà máy sản xuất là Bình Sơn và Nghi Sơn. Trong 9 tháng qua, Lọc dầu Bình Sơn đạt khoảng 70% công suất với 4,4 triệu tấn/6,2 triệu tấn (đạt kế hoạch đề ra). Còn với Nghi Sơn có công suất 6,8 triệu tấn mới chỉ đạt 4,3% sản lượng.

Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý III nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu, chỉ 19/34 đầu mối có nhập.

Theo ông Phớc đây là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.

Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện phần xăng, dầu về Bộ Công Thương - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ trước Quốc hội chiều 28/10

Trước diễn biến giá xăng dầu thời gian, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ đã thực hiện giảm thuế môi trường 3.000 đồng/lít - tương đương 28.000 tỉ đồng; giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%…

Ông Phớc cho biết thêm đã có 2 văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối để có thể nâng chi phí định mức nữa hay không?. Tuy nhiên, hiện mới chỉ nhận được văn bản của 6 thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), trong khi ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được.

"Sắp tới chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 55, giao toàn diện phần xăng, dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động", ông Phớc cho biết.

Ngoài ra là tăng cường phối hợp chủ động trong nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối bán lẻ. Chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết vấn đề khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Gần 900.000 tỷ tiền ngân sách gửi tại ngân hàng

Liên quan đến chính sách tài khoá, trong phần giải trình, làm rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thu ngân sách đạt được 1,614 triệu tỷ đồng, tức là vượt khoảng 202.400 tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2021. Điều đặc biệt là thu nội địa vẫn đạt tăng trưởng 9,8%.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết năm nay là năm giảm thuế nhiều nhất với 233.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua, cơ quan chức năng đã giảm và gia hạn thuế hơn 151.237 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngành thuế.

Ngành thuế cũng thực hiện biện pháp thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới. Trong 9 tháng, đã có 3.167 tỷ đồng được thu từ 37 tập đoàn công nghệ lớn như Google, YouTube, Microsoft, Tiktok…

Về vấn đề bội chi, theo ông Phớc cũng có nhiều đại biểu đặt ra là bội chi thấp quá khi bội chi đặt ra hiện nay là 2,89% ở mức bình thường, cộng với gói phục hồi của sang năm thì chúng ta bố trí là 1,53%. Như vậy bội chi cũng đã là 4,42%, tức là 455.000 tỷ đồng, theo ông Phớc đây là mức hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm hiện nay tình hình giải ngân rất khó nên đang có khoảng gần 900.000 tỷ đồng tiền ngân sách gửi tại ngân hàng. Trong đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn 600.000 tỉ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỉ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước