Thi công nút giao Đông Xuân, giao Quốc lộ 45 với Quốc lộ 47 đi TP Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN)
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính hết tháng 8/2023, Bộ đã giải ngân khoảng 49.723/95.222 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ (hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch).
Giá trị giải ngân 8 tháng tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam (36.249 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 73,7% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải).
Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án quan trọng, cấp bách khác giải ngân 547 tỷ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch năm và 60% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án ODA giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm và 99% kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án trong nước khác, giải ngân 7.870 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm và đạt 96% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các chủ đầu tư thuộc Bộ giải ngân gần 46.900 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 95% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT), đạt gần 54% kế hoạch năm và 95% kế hoạch do các chủ đầu tư đăng ký.
Một số ban quản lý dự án (QLDA) có kết quả giải ngân đáp ứng hoặc cao hơn mức trung bình chung của Bộ như: Ban QLDA 2, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 6, Ban QLDA 7, Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt.
Cần tiếp tục giải ngân khoảng 46.000 tỷ đồng
Dù tiến độ giải ngân vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên Vụ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định, để giải ngân hết số vốn còn lại (khoảng 46.000 tỷ đồng) trong 5 tháng cuối năm là thách thức rất lớn đối với ngành; muốn làm được, cần sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu.
Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư như: QL8C của Sở GTVT Hà Tĩnh; tuyến tránh phía đông thành phố Đông Hà của Sở GTVT Quảng Trị; QL4B Lạng Sơn của Sở GTVT Lạng Sơn; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đúng kế hoạch để giải ngân nguồn vốn đã bố trí.
Với dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 như: Cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư không đáp ứng năng lực theo yêu cầu.
Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng tiến độ giải ngân vốn cho công tác giải phóng mặt bằng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, các chủ đầu tư/ban QLDA cần phối hợp với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đồng thời, rà soát để điều hòa nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!