Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện một giá bên cạnh phương án tính giá 5 bậc thang để thuận tiện cho khách hàng điện sinh hoạt tự chọn lựa.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã thông tin tới báo chí để phần nào giúp người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ về cơ chế tính toán giá điện, nguyên tắc huy động cũng như bản chất của cơ cấu giá bán lẻ trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân…
Bộ Công Thương xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo các nguyên tắc nào. Lý do Bộ Công Thương bổ sung 1 phương án giá điện 1 giá?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án. Khác với phương án 1 giá đã đưa ra lấy ý kiến trước đây bằng giá bình quân sinh hoạt, không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các bộ, ngành.
Bởi lẽ, phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến. Theo đó, biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2A và phương án 2B giống như phương án 1. Biểu giá điện ở phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, tương ứng với mỗi phương án, giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.
Các khách hàng sử dụng điện trung bình hàng tháng dưới 700 kWh (chiếm trên tỷ lệ trên 98% tổng số khách hàng) trong các phương án 1, phương án 2A và 2B có chi phí trả tiền điện bằng nhau do giá 4 bậc thang đầu của phương án 1 và phương án 2A và 2B là giống nhau.
Như vậy, nếu phương án 1 được áp dụng thì biểu giá điện cho khách hàng sẽ có 5 bậc giảm 1 bậc so với biểu giá điện hiện hành.
Nếu phương án 2A hoặc 2B áp dụng, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn áp dụng giá điện bậc thang hoặc biểu giá một giá phù hợp với thực tế sử dụng điện của gia đình.
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội vận hành cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. Ảnh minh họa.
Ông có thể cho biết, cơ sở lựa chọn các mức giá điện 1 giá ở các phương án 2A và 2B?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Liên quan đến lựa chọn một giá điện ở phương án 2A và 2B, để đảm bảo giữ giá điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, đồng thời giữ giá điện ở 4 bậc đầu của phương án 1 và phương án 2 giống nhau để không tác động tới chi phí tiền điện của đa số khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng nên khi xây dựng các phương án giá điện một giá, sẽ chỉ thay đổi giá điện ở bậc 5 và giá điện một giá.
Nếu phương án 2A và 2B được áp dụng, khi khách hàng lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá sẽ hạn chế những nhược điểm của giá điện bậc thang, đặc biệt là những khách hàng sử dụng điện ở mức cao như việc tiền điện tăng bất thường vào các tháng nắng nóng, sai lệch về thời điểm ghi chỉ số công tơ hàng tháng.
Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Các phương án nêu trên đã khắc phục được một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Xin Bộ Công Thương cho biết đề xuất về việc hỗ trợ đối với các hộ nghèo hộ chính sách sẽ được thực hiện như thế nào khi thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối với các Phương án Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, cơ chế hỗ trợ tiền điện đối với các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn giữ nguyên không thay đổi. Khoảng 1,8 triệu hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội hiện nay hàng năm sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền điện với khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Tại sao Bộ Công Thương lại đề xuất phương án gộp các khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp thành khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt để áp cùng một biểu giá? Ông đánh giá ưu, nhược điểm của phương án này như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện quy định cho nhiều đối tượng khách hàng sử dụng khác nhau, bao gồm sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng này được xác định trên cơ sở cơ cấu sản lượng điện thương phẩm của các nhóm khách hàng.
Trong quá trình thực hiện giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh, nhiều trường hợp ranh giới giữa các loại không rõ ràng.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương bổ sung phương án gộp khách hàng sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp thành 01 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.
Phương án này có ưu điểm là giảm bớt chênh lệch giá bán lẻ điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt; đơn giản trong thực hiện do cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích ngoài sinh hoạt chỉ có 1 biểu giá; giảm thiểu các sai sót trong việc áp giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện khác nhau; biểu giá điện mới cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh tiệm cận giá bán điện bình quân.
Ngoài ra, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35% so với việc áp dụng giá hiện hành; việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thống nhất của các ngành sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp sẽ tạo cho các khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng so với việc áp dụng giá hiện hành; khi áp dụng biểu giá cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt, các đơn vị bán lẻ điện phải trang bị công tơ đo đếm theo giờ cao thấp điểm (công tơ 3 giá).
Có ý kiến cho rằng, nếu đã là một giá điện thì phải gần với giá bán điện bình quân vì thực chất đây đã là mức giá đã gồm chi phí, lợi nhuận cho ngành điện. Mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân sẽ "chỉ là cho có". Quan điểm của Bộ Công Thương về nhận định này ra sao?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện đang thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019. Các phương án đưa ra phải đảm bảo mức giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả các nhóm khách hàng phải giữ nguyên mức giá 1.864,44 đồng/kWh.
Với phương án 1 giá, phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành.
Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh với số lượng là khoảng trên 18,7 triệu khách hàng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 đồng.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm lên 1.240 tỷ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Đồng thời, việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Ở lần đề xuất này, khách hàng được lựa chọn áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc biểu giá một giá. Phương án 2 vẫn duy trì được các ưu điểm của phương án 1 như khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội không thay đổi. Các phương án đưa ra đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.
Nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng. Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Các phương án nêu trên đã khắc phục được một phần biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Các phương án đưa ra lấy ý kiến đều có những ưu và nhược điểm. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!