Bộ Công thương: Người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp từ năm 2024

Vân Anh (t/h)-Thứ hai, ngày 07/09/2020 16:37 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2024, người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp, không còn bù chéo về giá điện giữa các hộ tiêu thụ điện như hiện nay.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay (7/9).

Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị đến hết năm 2021. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay. Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. 

Như vậy, từ năm 2024, Nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá. Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác với quy định của luật hiện hành để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án nguồn chậm tiến độ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất giai đoạn 2011 - 2019 là 10,1%/năm. Điện thương phẩm giai đoạn 2011 - 2019 tăng trưởng bình quân 10,5 %/năm, công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

Bộ Công thương: Người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp từ năm 2024 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: NLĐ)

Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/năm; trong đó, tăng trưởng lớn nhất là nguồn nhiệt điện than, bình quân 27%/năm; tiếp đến là thủy điện với mức tăng bình quân 15%/năm; năng lượng tái tạo cũng tăng với mức 37%/năm nhưng do công suất đặt nhỏ nên chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn (0,2% năm 2015).

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm; trong đó, giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/năm).

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng.

Đề xuất giải pháp giúp đủ điện

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, việc cung ứng điện năm 2020 của toàn hệ thống điện quốc gia cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2025, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên việc cung ứng điện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây cũng là giai đoạn có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn điện.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây.

Bộ Công thương: Người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp từ năm 2024 - Ảnh 2.

Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021 - 2030 và năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh, năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030.

Để khắc phục nguy cơ thiếu điện, Bộ Công Thương cho hay đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp, theo đó sẽ bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Một giải pháp nữa được Bộ tính đến là tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện. Cuối cùng là đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công Thương nhận định, khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021 - 2025.

EVN kiến nghị có cơ chế hỗ trợ hộ gia đình đầu tư điện mặt trời áp mái EVN kiến nghị có cơ chế hỗ trợ hộ gia đình đầu tư điện mặt trời áp mái

VTV.vn - Hiện nay, việc tuyên truyền về phát triển điện mặt trời áp mái còn hạn chế. Nhiều khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước