Theo đó, GDP cả năm nay được dự đoán sẽ lên mức 6,9% từ mức 6,7% ước đoán trước đó. BMI Research cũng cho rằng về dài hạn, nếu không có những sự kiện bất khả kháng về thời tiết cực đoan hay biến cố ngành, dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 6,6% trong vòng 1 thập kỷ tới.
Ngay sau báo cáo được đưa ra, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Raphael Mok - người trực tiếp đưa ra báo cáo, đồng thời cũng là nhà phân tích cấp cao chuyên nghiên cứu về Việt Nam của BMI Research.
Trong quý I/2018, lĩnh vực chế biến chế tạo là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, ông có nghĩ trong các quý tới, đây sẽ tiếp tục là động lực cho kinh tế Việt Nam hay không?
Ông Raphael Mok: Tôi nghĩ lĩnh vực chế biến chế tạo sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam đang đi đúng hướng khi thúc đẩy mở cửa thương mại và đang dần vươn lên thành một tâm điểm sản xuất của thế giới.
Xét bối cảnh Trung Quốc đang có sự dịch chuyển định hướng kinh tế tập trung hơn vào nội địa lại mở ra cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam đã nắm bắt rất tốt cơ hội này khi đang vươn lên trở thành một tâm điểm sản xuất tại châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử với lợi thế về lao động giá rẻ, mức thuế và các chính sách hấp dẫn, nền chính trị ổn định.
Một điểm sáng nữa từ khu vực dịch vụ là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Chúng tôi đánh giá cao khi Việt Nam đã đi đúng hướng, khi coi du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tôi thấy ngành du lịch sẽ cần một chiến lược phát triển bền vững, để tận dụng tiềm năng, bùng nổ hơn trong thời gian tới.
Chính phủ Việt Nam cũng đang kỳ vọng vào sức tăng trưởng kinh tế năm nay. Tuy nhiên, những yếu tố bên ngoài như chính sách thiên về bảo hộ của một số quốc gia, hay căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, theo ông liệu có tác động gì tới Việt Nam hay không?
Ông Raphael Mok: Tôi lại đang nhìn thấy mặt sáng của vấn đề. Việc Việt Nam đang rất tích cực xúc tiến các hiệp định thương mại tự do với thế giới trong thời điểm Mỹ đang có khuynh hướng chuyển sang cơ chế kinh tế mang tính bảo hộ cao hơn, sẽ củng cố mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam, hấp dẫn các nhà đầu tư rót vốn cũng như công nghệ vào Việt Nam dẫn tới sự tăng trưởng tốt về năng suất.
Các hiệp định thương mại thương mại tự do hứa hẹn mang nhiều lợi ích cho Việt Nam như chuẩn bị được miễn thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Đầu tiên, điều này sẽ tạo áp lực lên chính phủ về việc phải thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện trong hiệp định, ví dụ như về quyền sở hữu trí tuệ, đấu thầu công.
Khi hiệp định đi vào hiệu lực, mức độ đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ được tăng cường, giống với trường hợp Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc trước đây. Mọi người đều thấy là Hàn Quốc cũng đã có những động thái đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam thời gian qua.
Cuối cùng, khi hiệp định đi vào hiệu lực sẽ giúp các công ty nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh. Nhiều công ty nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam qua hình thức liên doanh và doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ.
Còn câu chuyện căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tôi tin là dù nếu có cũng chưa thể xảy ra trong thời gian gần và tác động tới Việt Nam cũng là nhỏ. Tôi nghĩ chúng ta sẽ cần thêm nhiều thông tin hơn về câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc trước khi đi đến bất cứ kết luận nào.
Vâng xin cảm ơn ông.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!