“Bịt mắt bắt dê” trên HOSE: Nhiều nhà đầu tư được ưu tiên vén vải, có hay không sự phân biệt đối xử?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 12/06/2021 11:30 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua là tuần nhiều cảm xúc với nhà đầu tư chứng khoán, không phải câu chuyện cổ phiếu tăng trần hay giảm sàn mà là tình trạng nghẽn lệnh đã được đẩy lên đến cao trào.

Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới đây còn cho rằng hiện tượng nghẽn lệnh trên HOSE là một yếu tố rủi ro thị trường, khiến người tham gia cảm thấy giống như bị bàn tay vô hình chi phối.

Trước những bất cập trong giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn ký quyết định tiến hành thanh tra, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của HOSE trong việc điều hành hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán.

"Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo HOSE làm kiểm điểm, làm báo cáo. Chúng tôi đang tiến hành 2 giải pháp: Thứ nhất là cùng với hệ thống FPT và HOSE tích cực khắc phục, đến đầu tháng 7 sẽ hoàn thành; Thứ hai là dự án sử dụng nguồn vốn của Hàn Quốc. Do đại dịch COVID-19, chuyên gia không sang được nên chúng tôi cố gắng cuối năm nay sẽ hoàn thành dự án mới", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định.

Ngay ngày 11/6, Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đã có văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính, đề nghị thanh tra làm rõ việc vận hành hệ thống giao dịch tại HOSE, thanh tra về sự chậm trễ gần 10 năm chưa hoàn thành của dự án KRX, cũng như về sự đội giá của dự án. Thậm chí, VAFI đề nghị thanh tra toàn diện về cổ phiếu rác, không đủ tiêu chuẩn niêm yết, tình trạng làm giá cổ phiếu với mục tiêu làm sạch thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Bịt mắt bắt dê” trên HOSE: Nhiều nhà đầu tư được ưu tiên vén vải, có hay không sự phân biệt đối xử? - Ảnh 1.

Theo Vietnam Report, hiện tượng nghẽn lệnh trên HOSE là một yếu tố rủi ro thị trường. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Trước đó hồi tháng 3, HOSE cũng đã từng nghẽn lệnh, nhưng sau đó phải 2 tháng, tình trạng nghẽn mới gần như không xảy ra. Thời điểm đó, khi giá trị giao dịch đạt khoảng 16.000 tỷ đồng là nghẽn, nhưng sau đó với việc HOSE tối ưu hóa hệ thống đã nâng dung lượng giao dịch lên đến tầm 22.000 tỷ đồng mới nghẽn, tức đã nở thêm được khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là giá trị cả ngày giao dịch giai đoạn 2015 - 2019. Tuy nhiên, với việc có gần 500.000 tài khoản mở mới sau 5 tháng, dòng tiền mới nhập cuộc khiến những phiên giao dịch riêng khớp lệnh lên đến 30.000 - 32.000 tỷ đồng, một tốc độ quá nhanh khiến tình trạng nghẽn lại quay trở lại.

Bất công bằng trong hủy, sửa lệnh trong giao dịch chứng khoán

Trong tuần qua, nhiều hình ảnh được dùng để nói về tâm thế giao dịch của nhà đầu tư. Khi các công ty chứng khoán cấm nhà đầu tư hủy, sửa lệnh, tình trạng càng nặng nề hơn. Nhà đầu tư còn nói họ như: bị bịt mắt đi trong sương, giao dịch trong tù mù hay bịt mắt bắt dê. Tuy nhiên, sự bức xúc nhất của nhà đầu tư là trong một cuộc chơi "bịt mắt bắt dê" lại có những người được vén tấm vải bịt mắt để tìm kiếm cơ hội sinh lời hàng chục % một cách không công bằng.

"Vẫn không được hủy, sửa lệnh anh chị em giai đoạn này mua bán gì, không căn ke vài line thì dùng lệnh MP cho tiện nhé, xanh tí lại mua MP, giảm giá lại bán MP. Đặt lệnh MP luôn đi ạ", đây là những nội dung được trao đổi trong các group hội nhóm giữa các nhà đầu tư và cán bộ môi giới của các công ty chứng khoán để ứng phó với việc không được sửa, hủy lệnh.

"Hệ thống gần như là treo và đơ rất nhiều, các lệnh bán MP được thả vào thị trường khi thị trường điều chỉnh, thể hiện sự hoảng loạn của nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm", ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Công ty CP Chứng khoán KBSV, cho biết.

Từ khuyến nghị cho đến cấm nhà đầu tư hủy, sửa lệnh, từ trong khung giờ cao điểm cho đến cả ngày giao dịch, thế nhưng trong các phiên giao dịch, hàng trăm lệnh hủy vẫn được đẩy vào hệ thống. Theo nhà đầu tư, đây là sự phân biệt đối xử.

"Khối lượng giao dịch của họ vip hơn của tôi, hoặc họ thu phí được nhiều hơn so với đối tượng khách hàng đó nên họ cho các khách vip đó một quyền lợi khác. Việc này tôi thấy rất là bức xúc", nhà đầu tư Trương Quốc Việt (Quy Nhơn, Bình Định) bày tỏ.

Trong một cuộc chơi "bịt mắt bắt dê" khi VN-Index nhảy loạn số, nghẽn lệnh…, có những người được mở mắt để tìm kiếm cơ hội khi nhiều cổ phiếu tốt đã giảm giá 10 - 15% chỉ sau 2 ngày giao dịch cho thấy thiếu sự công bằng.

Đến chiều 9/6, một số công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư hủy, sửa lệnh trở lại, như: 356 lệnh hủy với HPG, 190 lệnh hủy với MBB, 181 lệnh hủy với HSG… và nhiều cổ phiếu khác, thế nhưng HOSE lại không nghẽn gần như trong cả ngày giao dịch 10/6 và 11/6 vừa qua, mà thanh khoản khớp lệnh vẫn đạt đều đặn khoảng 24.000 tỷ đồng.

Chưa rõ những lệnh nào được ưu tiên vào hủy, sửa lệnh, không ít ý kiến nhà đầu tư cho rằng, đó là lệnh của tự doanh các công ty chứng khoán, lệnh của chính môi giới các công ty chứng khoán đang giao dịch mua bán cổ phiếu trên thị trường. Bởi HOSE không cấm nhà đầu tư hủy, sửa lệnh, mà chỉ các công ty chứng khoán cấm, tức công ty chứng khoán cho phép lệnh nào được sửa, được hủy thì lệnh đó được sửa, hủy.

Theo thống kê, trong những ngày dỡ bỏ hủy, sửa lệnh, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng khoảng 350 tỷ đồng, còn tự doanh tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 625 tỷ đồng. Đáng nói, trước đó 1 - 2 tuần, trong nhiều group hội nhóm, các cán bộ môi giới lại khuyên nhà đầu tư bán ra để cắt lỗ, chốt lời. Cũng trong khoảng thời gian đó, tự doanh công ty chứng khoán đã mua ròng khoảng 1.344 tỷ đồng. Nhà đầu tư đặt ra hoài nghi có hay không những mâu thuẫn lợi ích?

Để công ty chứng khoán không đi ngược lợi ích nhà đầu tư: Cần thêm quy chuẩn đạo đức?

Chinese Wall (Bức tường Trung Hoa) là thuật ngữ khá quen thuộc trong hoạt động tài chính toàn cầu. Đây chính là rào cản giúp ngăn ngừa việc trao đổi giữa các bộ phận trong cùng một doanh nghiệp có thể dẫn đến rủi ro đạo đức hoặc pháp lý. Tại các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ Việt Nam, sự hiện diện của Chinese Wall là có, nhưng có phát huy được tính hiệu quả không, thì lại là thách thức không nhỏ.

“Bịt mắt bắt dê” trên HOSE: Nhiều nhà đầu tư được ưu tiên vén vải, có hay không sự phân biệt đối xử? - Ảnh 2.

MSCI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến nghẽn lệnh tại HOSE. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Tự doanh, môi giới, tài chính doanh nghiệp và các nghiệp vụ khác, 4 lĩnh vực kinh doanh chính của các công ty chứng khoán phổ biến trên toàn cầu. Thế nhưng, trong khi các công ty chứng khoán "nội" có độ phủ hầu như cả 4 lĩnh vực, các công ty chứng khoán có yếu tố nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam dường như không mặn mà với hoạt động tự doanh.

Theo giới tài chính, các công ty chứng khoán trực thuộc tập đoàn đa quốc gia thường chỉ hoạt động tự doanh khi tiến hành nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, hoặc phục vụ việc phát hành chứng quyền có bảo đảm.

Còn với các công ty chứng khoán "thuần Việt", hiện chỉ có SSI đang tách mảng tự doanh sang công ty quản lý quỹ trực thuộc nhằm tránh mâu thuẫn lợi ích với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán khác trên thực tế cũng thu hẹp dần quy mô tự doanh. Hiện chỉ còn khoảng 3 - 4% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Theo các chuyên gia tài chính, quan trọng nhất là phải tách bạch mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp, bởi đây mới là mảng liên quan trực tiếp tới thông tin sâu về tình hình doanh nghiệp có thể bị lợi dụng để làm giá trên thị trường, bên cạnh đó,phải nâng cao tính tuân thủ.

Trên thực tế, chưa có vụ việc trục lợi nào liên quan đến thông tin nội gián từ các tổ chức tài chính được ghi nhận tại Việt Nam, nhưng trên thị trường thế giới, ngay cả những tên tuổi lớn cũng từng sa chân. Điển hình như Citibank từng nhiều lần bị cáo buộc phá vỡ Chinese Wall và đã phải chi hàng triệu USD để dàn xếp, nộp phạt cho các giao dịch nội gián.

MSCI giữ nguyên đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam

Đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới cũng là cơ sở để Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Mới đây, MSCI đã công bố báo cáo đánh giá tiếp cận thị trường toàn cầu. Theo đó, tổ chức này không có thay đổi nào về các chỉ tiêu tiếp cận thị trường của Việt Nam (các quy định dành cho nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin, quy định về thanh toán và bù trừ...). MSCI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến nghẽn lệnh tại HOSE.

Theo BVSC và SSI Research, khó có khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong lần đánh giá này.

Theo Vietnam Report, trong ngắn hạn, tình trạng nghẽn lệnh, hệ thống công nghệ thông tin là rủi ro với thị trường. Về dài hạn, tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cao, còn nhiều đội lái khiến giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp, gây ra hiện tượng nhiễu loạn.

Năm nay, thị trường có dòng vốn nội, nhưng nguồn vốn từ F0 là dòng tiền ngắn hạn, có khi chỉ vài quý, khi hết dịch, kinh doanh ổn định trở lại, lãi suất nhúc nhích tăng, dòng vốn lại chảy ra, không thể ở lại thị trường dài hạn. Để thị trường phát triển bền vững, chúng ta không thể mãi trong "ao làng", dùng tiền của người Việt để đẩy thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam phải nâng hạng, khi đó mới hút được dòng tiền lớn.

Bất công bằng trong việc cấm hủy, sửa lệnh giữa các nhà đầu tư Bất công bằng trong việc cấm hủy, sửa lệnh giữa các nhà đầu tư

VTV.vn - Dù tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE vẫn diễn ra, nhưng trong phiên giao dịch 9/6, nhiều nhà đầu tư chứng khoán không được sửa, hủy lệnh, trong khi một số khác lại không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước