Để ứng phó với những thách thức từ sự giảm tốc của nền kinh tế, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang cố gắng tập trung vào việc cắt giảm chi phí và hợp lý hóa mô hình kinh doanh.
Baidu - công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, và Tencent - chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng hơn một năm qua, các công ty này đạt kết quả ấn tượng như vậy.
Cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt với Mỹ cũng góp phần khiến Chính phủ Trung Quốc tỏ ra cởi mở hơn với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước này.
"Từ Đại hội 20 đến nay, Trung Quốc có rất nhiều chính sách thân thiện hơn với doanh nghiệp công nghệ tư nhân. Chúng ta thấy rằng cuối tháng 5 vừa qua, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi thư chúc mừng đến Diễn đàn Công nghệ Trung Quan Thôn, diễn đàn thường niên của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc và nước ngoài. Nó cho thấy Trung Quốc hiện nay cũng rất muốn dựa vào khu vực tư nhân và công nghệ để đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là tạo ra cú bật về thu nhập và tăng trưởng trong giai đoạn mới", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), cho biết.
Kết quả kinh doanh của các hãng công nghệ như Alibaba, Tencent hay Baidu đã phần nào cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Tuy vậy, những kết quả này vẫn là chưa đủ để xua tan hoài nghi của giới đầu tư. Cổ phiếu của Alibaba trên sàn giao dịch Hong Kong, Trung Quốc từ đầu năm đến nay giảm tới 30%. Còn cổ phiếu Tencent và Baidu cũng mất từ 13 - 16%.
Theo Financial Times, làn sóng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các công ty công nghệ Trung Quốc đã xuất hiện sau khi JPMorgan Chase vào năm 2022 dán nhãn cổ phiếu doanh nghiệp Internet nước này là "không thể đầu tư". Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã mất tổng cộng gần 300 tỷ USD giá trị thị trường.
"Một khó khăn bên ngoài khác là sự khống chế và kiểm soát của Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp công nghệ, không chỉ doanh nghiệp tư nhân, mà kể cả các doanh nghiệp có sự hỗ trợ của nhà nước. Công nghệ là hệ thống mạng lưới toàn cầu. Năng lực tự chủ vẫn phụ thuộc nhiều vào việc là mình có thể hợp tác hoặc kết nối với nguồn sẵn có từ bên ngoài hay không", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), nhận định.
Để ứng phó với những thách thức từ sự giảm tốc của nền kinh tế, các Big Tech của Trung Quốc đang cố gắng tập trung vào việc cắt giảm chi phí và hợp lý hóa mô hình kinh doanh.
Thay đổi mạnh mẽ hơn cả phải kể đến Alibaba khi công ty này lên kế hoạch tách hoàn toàn đơn vị kinh doanh trên nền tảng đám mây Cloud Intelligence Group, để tiến hành niêm yết độc lập trong vòng 12 tháng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!