Biến thể Delta kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á

VTV Digital-Thứ hai, ngày 19/07/2021 10:24 GMT+7

Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng của Indonesia từ 5% xuống còn 3,4%. (Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Trước đà lây lan nhanh của dịch COVID-19 do biến thể Delta, các nhà kinh tế nhận định đà phục hồi tăng trưởng của Đông Nam Á không còn khả quan như các dự báo trước đây.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca mắc COVID-19 trong khu vực tăng 41% trong tuần qua, lên hơn nửa triệu ca, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh tăng 39%, tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu và tiền tệ trên toàn khu vực đã bị bán tháo trong những tuần gần đây, chính phủ các nước đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, nhiều ngân hàng trung ương bị cạn kiệt nguồn vốn. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc giảm bớt việc mua tài sản, giảm lãi suất cho các nhà hoạch định chính sách ở châu Á để tránh nguy cơ rủi ro do tiền tệ suy yếu.

"Do tốc độ tiêm chủng chậm, ngoại trừ Singapore, chúng tôi dự đoán sự phục hồi kinh tế trong khu vực sẽ khó khăn và có nguy cơ các nước phải kéo dài hơn nữa việc áp đặt các biện pháp hạn chế", Sian Fenner, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics Ltd, nhận xét.

Tuần qua, Indonesia đã vượt Ấn Độ về số ca mắc mới hàng ngày, trở thành tâm dịch mới của châu Á, trong khi một số nước láng giềng cũng đang chứng kiến ​​số ca mắc kỷ lục.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp làm suy yếu triển vọng phục hồi kinh tế của Đông Nam Á trong năm 2020. Indonesia, Thái Lan và Philippines đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay. Trong khi Malaysia cũng sắp có bước điều chỉnh tương tự.

Biến thể Delta kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á - Ảnh 1.

Indonesia đã vượt Ấn Độ và trở thành tâm chấn COVID-19 lớn nhất ở châu Á. (Ảnh: Reuters)

Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á trong nửa cuối năm nay ở mức trung bình 1,8 điểm phần trăm. Trong đó, các nước bị cắt giảm dự báo lớn nhất là Indonesia từ 5% xuống còn 3,4%, Philippines từ 5,8% xuống còn 4,4%, Malaysia từ 6,2% xuống còn 4,9% và Thái Lan từ 2,1% xuống 1,4%.

Lãi suất cơ bản trong khu vực đang ở mức thấp nhất hoặc gần mức thấp nhất từ trước đến nay và các chính phủ Đông Nam Á không còn nhiều dư địa chính sách để thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh trong khi tốc độ tiêm vaccine lại diễn ra chậm chạp. Ngoại trừ Singapore, các nước Đông Nam Á đang tụt hậu đáng kể so với những quốc gia như Anh, Mỹ trong tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Dữ liệu từ cổng dữ liệu trực tuyến Our World in Data cho thấy, Singapore hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng tại các nước còn lại ở Đông Nam Á diễn ra chậm hơn nhiều. Đến nay, Malaysia mới chỉ tiêm vaccine đầy đủ cho 12,4% dân số. Tỷ lệ này tại Indonesia là 5,7%. Trong khi đó, tại Thái Lan và Philippines, chưa tới 5% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.

Sau khi thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội do bùng dịch hồi đầu tháng 5, từ tháng trước, Singapore đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo Malaysia có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong quý IV năm nay, còn các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á chỉ có thể làm vậy vào nửa đầu năm 2022.

Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ sẽ giúp các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Singapore và Malaysia được hưởng lợi nhiều nhất. Hiện Malaysia là nước xuất khẩu ròng, cũng có thể được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng cao.

“Trong khi đó, do phụ thuộc nhiều hơn vào các lĩnh vực như du lịch, ít bị ảnh hưởng bởi thương mại toàn cầu và có vùng đệm chính sách hạn chế, Indonesia và Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm hơn, còn Philippines phục hồi chậm hơn so với các dự báo trước đó của chúng tôi”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định.

Nhiều mối nguy đe dọa tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á Nhiều mối nguy đe dọa tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á

VTV.vn - Biến thể mới của virus SARS CoV-2 và chính sách tiền tệ của Mỹ là những nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước