Biến thể COVID-19 có thể “thổi bay” 4,5 nghìn tỷ USD

Huệ Anh-Thứ năm, ngày 29/07/2021 06:39 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 với khả năng lây nhiễm cao có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 6% trong năm 2021, không thay đổi so với báo cáo trước. Tuy nhiên, một vấn đề mới đã được tổ chức này cảnh báo, đó là tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong năm nay đã được điều chỉnh tăng 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, con số này đúng bằng mức giảm đối với tăng trưởng của các thị trường mới nổi và nước đang phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ sự chênh lệch trong các gói hỗ trợ kinh tế cũng như kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại các quốc gia.

"Gần 40% dân số tại các quốc gia phát triển đều đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này với các nước có thu nhập thấp và mới nổi chỉ là 11%. Tỷ lệ chủng ngừa cao giúp các quốc gia phát triển nhanh chóng được phục hồi, trong khi lệnh phong tỏa ở một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, khiến những nước này sụt giảm mạnh mức tăng trưởng", bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho hay.

Biến thể COVID-19 có thể “thổi bay” 4,5 nghìn tỷ USD  - Ảnh 1.

Tăng trưởng nền kinh tế đứng đầu thế giới được dự báo đạt 7% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022. (Ảnh minh họa: AP)

Tăng trưởng của một loạt các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và Canada đều "thăng hạng", phần lớn đến từ gói hỗ trợ bổ sung của Mỹ và các quỹ tài chính của Liên minh châu Âu (EU).

Tăng trưởng nền kinh tế đứng đầu thế giới được dự báo đạt 7% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, đều tăng so với dự báo trước đó. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng khả năng lạm phát, trong bối cảnh các nút thắt chuỗi cung ứng đang gây áp lực lớn lên giá cả hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, theo IMF, đà tăng này sẽ chỉ là tạm thời.

"Ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, lạm phát có thể sẽ giảm xuống mức trước đại dịch trong năm 2022", bà Gita Gopinath nhận định.

Trong khi đó, nhóm các nước đang phát triển lại đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau và đang gặp không ít khó khăn trong việc vực dậy nền kinh tế, nhất là khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

"Sự xuất hiện của các biến thể với khả năng lây nhiễm cao có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi, đồng thời thổi bay tổng cộng 4,5 nghìn tỷ USD khỏi GDP toàn cầu vào năm 2025. Tình hình tài chính bị thắt chặt sẽ giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi", bà Gita Gopinath nhấn mạnh.

Trong năm 2022, IMF cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 4,9% từ mức 4,4% trước đó. Tuy nhiên, yếu tố thay đổi chính vẫn đến từ sự đi lên mạnh mẽ của các nền kinh tế tiên tiến, trong khi các thị trường mới nổi và đang phát triển vẫn đứng trước nguy cơ phục hồi chậm lại các năm tới.

IMF: Các nước đang phát triển tụt lại trong quá trình phục hồi IMF: Các nước đang phát triển tụt lại trong quá trình phục hồi

VTV.vn - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ tụt lại phía sau trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước