Sau khi tăng kỷ lục trong vòng 2 năm qua, với mức tăng bình quân tới 100 đồng/USD vào ngày 16/3, tỉ giá bắt đầu có dấu hiệu dịu lại. Tuy nhiên, về dài hạn, việc đồng USD tăng giá, trong bối cảnh đồng Euro ngày càng suy yếu khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam không khỏi lo ngại.
Châu Âu là một trong các thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Nam Thái Sơn. Theo thói quen lâu nay, việc thanh toán vẫn được thực hiện bằng đồng USD. Đồng Euro mất giá tới hơn 20% trong vòng 1 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp, bởi khi quy đổi, giá trị hàng hóa nhập từ Việt Nam đã trở nên đắt đỏ hơn.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Nam Thái Sơn cho biết: “Khách hàng muốn giảm lượng hàng đã đặt, đơn hàng mới thì dè dặt”.
Sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, mỗi tháng doanh nghiệp Tôn Đông Á trả cho đối tác bình quân 10 triệu USD. Sắp đến hạn thanh toán, tỉ giá lại tăng cao, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tăng chi phí thêm gần 400 triệu đồng.
Ông Phạm Quốc Thắng - Phó TGĐ Công ty CP Tôn Đông Á đánh giá: “Rõ ràng biến động tỉ giá ảnh hưởng đến chi phí của công ty chúng tôi, chắc chắn là về lâu về dài những tác động bên ngoài như vậy buộc chúng tôi phải điều chỉnh giá. Tuy nhiên đây là một công việc hết sức khó khăn”.
Trước biến động tỷ giá của hai cặp ngoại tệ USD và Euro đối với đồng Việt Nam, việc điều chỉnh giá bán là điều mà cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang tính đến.
Giảm giá bán cho khách hàng châu Âu để giữ thị phần, tăng giá bán ở thị trường nội địa, tương ứng với chi phí đầu vào tăng, các chuyên gia cho rằng, thực tế này khiến quá trình đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán càng trở nên cần thiết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.