Bầu cử Mỹ và chính sách kinh tế của 2 ứng cử viên

Việt Linh - Kim Huệ-Thứ tư, ngày 11/09/2024 19:46 GMT+7

VTV.vn - Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã diễn ra sáng 11/9 (theo giờ Việt Nam).

Trong cuộc tranh luận này, các chính sách kinh tế cũng là những vấn đề được báo chí và giới phân tích quốc tế mổ xẻ kĩ lưỡng. Ngay từ khi mở đầu, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã nóng lên khi cả ông Trump và bà Harris đều liên tục công kích các chính sách của đối thủ, cũng như bảo vệ những kế hoạch của mình, đặc biệt là những phát ngôn mạnh mẽ từ phía cựu Tổng thống Donald Trump.

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết: "Chúng tôi đã đặt ra thuế quan với các nước khác, buộc họ phải trả tiền cho những gì mà nước Mỹ đã đem lại cho thế giới hàng chục năm qua. Chúng ta đang có một nền kinh tế tồi tệ vì lạm phát, với mức lạm phát có lẽ là tệ nhất trong lịch sử".

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tranh luận: "Tôi muốn xây dựng một nền kinh tế cơ hội cho tất cả người dân, giảm chi phí nhà ở đang quá cao với người trẻ. Tôi đã đề xuất gia hạn mức giảm thuế 6 nghìn USD cho các gia đình trẻ có con nhỏ. Đối thủ của tôi, kế hoạch của ông ấy chỉ là tiếp tục lặp lại việc giảm thuế cho các tỷ phú và tập đoàn lớn. Điều đó sẽ làm cho nước Mỹ thâm hụt 5.000 tỷ USD".

Cả 2 ứng cử viên cũng đã nhấn mạnh một số đề xuất của mình nếu đắc cử, như ông Trump kêu gọi tăng thuế với mọi hàng hóa nhập khẩu từ 10% lên 20% và áp thuế bổ sung từ 60%-100% với hàng hóa của Trung Quốc, còn bà Harris nhấn mạnh nỗ lực nhằm siết chặt bảo hộ các ngành chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo AI cùng với các đồng minh.

Bầu cử Mỹ và chính sách kinh tế của 2 ứng cử viên - Ảnh 1.

Bà Harris và ông Trump bắt tay trước khi tranh luận (Ảnh: Getty).

Theo các chuyên gia, các cam kết từ cả 2 ứng cử viên lúc này có vai trò quan trọng nhất là tạo ra hình ảnh với cử tri, bởi dù họ có đắc cử, chặng đường để đưa chúng thực hiện cũng còn khá dài.

Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, hãng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá: "Đây là một cuộc chạy đua và 2 ứng cử viên đều có các những mục tiêu khác nhau để giành lấy phiếu bầu của cử tri. Nếu sau bầu cử, Quốc hội và Nhà Trắng chia rẽ thì các chính sách của họ sẽ không dễ dàng để thông qua, vậy nên bây giờ chủ yếu họ muốn thăm dò xem cử tri mong muốn gì cho nền kinh tế".

Dù là ai giành chiến thắng trong bầu cử, thì những thách thức thực tế với nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay, đều sẽ là bài toán lớn mà họ phải giải đáp.

"Các vấn đề lớn nhất mà cử tri quan tâm, đó là lạm phát và phục hồi nền kinh tế - cả 2 đều sẽ phải đưa ra những chính sách tiềm năng cho các vấn đề này. Chẳng hạn, bà Harris đề xuất kiểm soát giá cả một số hàng hóa, nhưng bây giờ lạm phát thực phẩm đã hạ nhiệt, hay ông Trump muốn chặn dòng người nhập cư - điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao thị trường lao động Mỹ, điều đó phải chờ vào hiệu quả thực tế", ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, hãng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết.

Kinh tế Mỹ và triển vọng 'hạ cánh mềm' Kinh tế Mỹ và triển vọng "hạ cánh mềm"

VTV.vn - Các ý kiến cho rằng, sự hạ nhiệt của thị trường lao động Mỹ đang diễn ra một cách có trật tự, vẫn là cơ sở vững chắc để kinh tế Mỹ tiếp tục đi đúng lộ trình "hạ cánh mềm".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước