Dù giá bán bất động sản tại nhiều nơi vẫn tăng nhưng lại khó bán, thậm chí đối với đất nền và căn hộ chung cư là hai phân khúc bất động sản được nhiều người quan tâm tình hình giao dịch cũng không mấy khả quan.
Thị trường bất động sản phía Nam trầm lắng trong thời gian vừa qua được thể hiện qua tỷ lệ thanh khoản giảm mạnh. Dẫn chứng trong báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đất nền trong tháng 7 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chỉ đạt 48% tương đương với 410 nền, giảm 26% so với tháng 5.
Còn phân khúc căn hộ, tỷ lệ hấp thụ chung của các dự án mới ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, đạt khoảng 54%, tương đương với hơn 1.100 căn. So với cùng kỳ năm trước, con số này giảm tới 85%.
Mặt bằng giá sơ cấp trong tháng 7 không có sự biến động, riêng phân khúc căn hộ, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có giá bán cao nhất là 176 triệu đồng/m2 và thấp nhất hơn 19 triệu đồng/m2 ở Bình Dương.
Thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam chững lại, giá vẫn khó giảm. Ảnh minh họa.
Ngoài yếu tố chênh lệch nguồn cung, tập trung phần lớn vào phần khúc cao cấp thì điểm nghẽn phê duyệt giải ngân hồ sơ vay là lý do khiến thanh khoản yếu dần.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho hay: "Khách hàng cá nhân và những nhà đầu tư họ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này làm cho sức cầu thị trường giảm, bởi vì chúng ta biết rằng nhà đầu tư để tối ưu lợi nhuận họ cần phải sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận room khó hơn thì rõ ràng nhà đầu tư cân nhắc rất nhiều trong việc mua bất động sản hay không".
Dù vậy, giá bán sơ cấp trong thời gian tới được dự báo sẽ không giảm. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng từ chi phí nguyên vật liệu, chi phí phát triển quỹ đất, lãi vay, nhân công… đều được chủ đầu tư cộng vào giá bán. Ngoài ra, chênh lệch cung cầu vẫn còn rất lớn trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao, nhất là dịp cuối năm làm cho giá bán khó giảm.
Bên cạnh đó, phân khúc thứ cấp - mua đi bán lại có xu hướng bán cắt lỗ từ nhà đầu tư vì áp lực lãi vay, thu nhập bị ảnh hưởng, mức giảm dao động từ 5 - 10%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!