Theo báo Nikkei Asia, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên rõ nét hơn.
Kể cả khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bất chấp tất cả, tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc hiện vẫn tăng, thậm chí còn vượt qua mức trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018.
Hồi tháng 2, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cộng thêm Trung Quốc. Con số này tăng lên 17% trong tháng 3, 24% vào tháng 4. Đánh dấu cột mốc quan trọng vượt qua mức kỷ lục hàng năm là 19%.
Báo Nikkei ví con sự phục hồi tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ trong năm nay là "cơn gió" đưa "cánh diều" hàng hóa Trung Quốc tiếp tục bay cao sau đà đi lên có sẵn từ năm 2019.
Trong 3.800 sản phẩm do Trung tâm Thương mại Quốc tế tổng hợp, có 320 loại hàng hóa mà Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu. Laptop của Trung Quốc chiếm 66% toàn bộ thị trường xuất khẩu. Các thành phần tinh thể lỏng trong máy tính và điện thoại thông minh chiếm trên 50%. Điều hòa chiếm 57%. Bồn rửa và các thiết bị vệ sinh hơn 80%
Tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu vẫn đang tăng lên. (Ảnh minh họa: Xinhua)
Với việc vừa tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu được dự báo sẽ gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Trung Quốc đón nhận nhiều tác động tích cực từ RCEP
Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng 500 tỷ USD vào năm 2030 nhờ những hiệu ứng tích cực như việc cắt giảm thuế quan. Trong đó, Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất với giá trị hàng hóa xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 248 tỷ USD.
"Trong quá trình chuyển đổi và nâng cấp, Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên RCEP để có thể tích hợp vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hơn, hình thành sự phân công lao động hợp lý hơn, tạo ra đòn bẩy cho những lợi thế của mình. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ hướng tới một mức độ phát triển cao hơn", ông Zhang Jianping, Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết..
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán RCEP cũng giúp Trung Quốc thiết lập nền tảng rất tốt cho việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Trên thực tế, cả 3 nước đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề cơ bản trong khuôn khổ rộng lớn này.
"Nếu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hình thành một khu vực thương mại tự do có mức độ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư cao hơn và tương thích hơn với hệ thống quy tắc của thế kỷ 21, điều đó sẽ rất quan trọng đối với việc 3 nước tăng cường hợp tác, đồng thời định hình khả năng cạnh tranh của Đông Bắc Á", ông Zhang Jianping nhận định.
Với những kết nối được tạo ra, RCEP được dự báo sẽ thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ hơn nữa trong khu vực. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung còn chưa có hồi kết, Trung Quốc được cho là sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Á, cạnh tranh thị phần với Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) - những nền kinh tế chưa tham gia RCEP.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!