Cụ thể, hiện các doanh nghiệp bất động sản đã phải bỏ một khoản chi phí lớn đầu tư điện, nước nhưng sau đó phải bàn giao mà không được bồi hoàn, thậm chí cũng không rõ những khoản đầu tư này sẽ được hạch toán như thế nào khi chảy vào túi các đơn vị đối tác?
Theo tìm hiểu tại chung cư Thái An, TP.HCM, một chiếc đồng hồ tổng đo nước cho toàn dự án cách khu chung cư khoảng 1km. Công ty cấp nước chỉ dẫn nước đến đây, còn làm thế nào để nước vào được chung cư, đó là việc của chủ đầu tư. Không chỉ nước, mà điện cũng như vậy.
“Đơn vị điện người ta đầu tư điện tới cái đầu, còn những trạm biến áp thì chủ đầu tư phải đầu tư. Vấn đề nước cũng vậy, họ sẽ cấp cho mình một đồng hồ nước chính ở ngoài trục đường chính, sau đó việc dẫn đồng hồ đó vào dự án thì toàn bộ những dây dợ, hệ thống là chủ đầu tư phải chịu” - ông Trần Minh Châu, Trưởng ban quản lý chung cư Thái An cho biết.
Theo chủ đầu tư dự án này, chi phí điện, nước chiếm khoảng 2 - 3% tổng chi phí đầu tư. Nếu tính một dự án khoảng 200 căn hộ thì chi phí điện nước khoảng 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, các chủ đầu tư phải bàn giao những tài sản này mà không được bồi hoàn. Trong khi đó, theo Luật Điện lực năm 2004, ngành điện phải bán điện đến tận công tơ. Còn công ty nước đã được tính tỷ lệ thất thoát trên 38% từ năm 2012.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng dã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ đạo làm rõ việc hạch toán tài sản điện, nước mà các doanh nghiệp bất động sản đã bàn giao trong hơn chục năm qua. Và từ đó có cơ chế quản lý thích hợp. Bởi, TP.HCM đang có hàng ngàn dự án bất động sản, đồng nghĩa giá trị các tài sản bàn giao này có thể lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!