Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng mức bảo lãnh lên tới 100% giá bán nhà, căn hộ và thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực cùng lúc đã dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn.
Ví dụ, một dự án nhà ở hình thành trong tương lai có 100 căn hộ, mỗi căn trị giá 1 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải nộp vào ngân hàng đúng 100 tỷ đồng tiền mặt hoặc nếu bằng tải sản BĐS thì tài sản đó phải cao hơn ít nhất 40%. Tiền này gọi là tiền ký quỹ và phí phải trả cho ngân hàng là gần 2% trong tổng số tiền ký quỹ. Khi nào căn hộ hoàn thành và giao đến tận tay khách hàng thì hợp đồng mới được thanh lý. Điều này là gánh nặng đối với nhiều chủ đầu tư do đó nên bỏ hoặc thay bằng hình thức khác.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định bảo lãnh dự án nhà ở hình thành trong tương lai đang là công cụ hữu hiệu để bảo vệ khách hàng khi dự án không thể hoàn thành đúng cam kết. Theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, dự án hình thành trong tương lai không có bảo lãnh của ngân hàng thì phải có bảo hiểm tham gia. Xác suất rủi ro sẽ được lấy trên số đông bù chi phí để đánh giá tính khả thi từng dự án. Vì khi có doanh nghiệp bảo hiểm cho dự án thì chủ đầu tư không cần thế chấp.
Chứng thư bảo lãnh ngân hàng được coi như là một điều kiện an toàn cho người mua nhà. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu trường hợp không may xảy ra, chủ đầu tư vỡ nợ thì khách hàng cũng không ở trong tình trạng "cầm dao đằng lưỡi". Vậy nên, cần có cơ chế để khách hàng là người cuối cùng được mua những sản phẩm bất động sản an toàn, giá cả hợp lý và không phải chịu bất kỳ một chi phí nào bị đội lên từ giá bán của chủ đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!