Bánh Trung thu mùa COVID-19: "Vừa làm vừa... run"

TTXVN-Thứ năm, ngày 09/09/2021 15:32 GMT+7

Ảnh: VOV

VTV.vn - Chỉ còn khoảng gần nửa tháng nữa là đến Tết Trung thu năm 2021, nhưng thị trường bánh Trung thu tại TP Hồ Chí Minh vẫn khá trầm lắng so với những năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh cũng cho biết, thị trường bánh Trung thu năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là bài toán thị trường và dự báo sức mua đều phải có sự tính toán thận trọng.

Theo anh Thành Trung, cư ngụ tại quận 5, TP Hồ Chí Minh, gia đình đã nhiều năm tham gia thị trường bánh Trung thu với đa dạng sản phẩm bánh gia truyền. Nếu như hằng năm hoạt động sản xuất kinh doanh được chuẩn bị trước khoảng 2 tháng, thì năm nay chờ đến tháng cận Tết Trung thu mới bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu song song với thực hiện quảng bá, tiếp thị sản phẩm và nhận đơn hàng.

Anh Thành Trung phân tích thêm, nếu chuẩn bị nguyên liệu đầu vào trước mà người tiêu dùng không mặn mà với bánh Trung thu thì đơn vị sản xuất khó thanh lý hết hàng hóa. Hơn nữa, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, chi phí đầu vào từ nguồn cung nguyên liệu... cho đến chi phí vận chuyển, nhân công... đều biến động khó lường nên đơn vị sản xuất kinh doanh phải dự phòng rủi ro trong mùa bánh Trung thu 2021 hơn những năm trước đây.

Tương tự, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu tại TP Hồ Chí Minh cũng đang có tâm lý "quan ngại" thị trường và đánh giá nhu cầu tiêu dùng mới lên kế hoạch tham gia mùa bánh Trung thu năm nay; trong đó, một số đơn vị sản xuất kinh doanh có xu hướng thực hiện hình thức báo giá, nhận đơn đặt hàng trước và sau đó mới sản xuất, cũng như trả đơn hàng.

Với hình thức nêu trên, doanh số bán hàng của đơn vị sản xuất kinh doanh bị giảm sút đáng kể so với những mùa bánh Trung thu trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, vận chuyển, nhân công, chi phí phát sinh... thì hình thức sản xuất kinh doanh này được đánh giá là đảm bảo doanh thu và phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Ghi nhận thực tế tại thị trường TP Hồ Chí Minh, người dân vẫn đang thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó" nên trên những tuyến đường chính hay khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu thuộc các quận, huyện, thành phố Thủ Đức không xuất hiện nhiều quầy, sạp kinh doanh mặt hàng này. Thay vào đó, hầu hết đơn vị sản xuất kinh doanh, đại lý phân phối và bán lẻ đều chuyển hướng sang hình thức bán hàng online trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội...

Trao đổi với phóng viên, chị Uyên Hoàng, nhân viên văn phòng quận Tân Bình cho hay, khác với những năm trước, đối với mùa bánh Trung thu 2021 chủ yếu bán hàng online và hoàn toàn không mở quầy, sạp kinh doanh trực tiếp. Song song với đăng ký gian hàng trên kênh thương mại điện tử thì giới thiệu, tiếp thị bánh Trung thu 2021 của nhiều thương hiệu đến một số group Zalo, Facebook... của cộng đồng dân cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Với hình thức kinh doanh này, chị Uyên Hoàng cho rằng, đơn vị phân phối và bán lẻ tính toán được số lượng tiêu thụ, nhu cầu thị trường, hạn chế được tình trạng "ôm" hàng và rủi ro tài chính. Hơn thế nữa, giao dịch mua bán đều thanh toán qua hình thức chuyển khoản không sử dụng tiền mặt, còn trong khâu giao hàng cũng tập trung theo tuyến trong cùng quận, huyện, thành phố Thủ Đức nên đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bánh Trung thu mùa COVID-19: Vừa làm vừa... run - Ảnh 1.

Đóng gói sản phẩm bánh Trung thu (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến giá cả mặt hàng bánh Trung thu năm 2021, các đơn vị phân phối và bán lẻ chỉ ra rằng, giá nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, nhân công... đang tăng, kèm theo một số chi phí phát sinh, nên kéo theo giá bánh tăng so với mùa bánh năm 2020. Để góp phần giữ giá bán tốt cho người dân tại TP Hồ Chí Minh, các đơn vị phân phối và bán lẻ đã làm việc với đơn vị sản xuất kinh doanh, nhằm linh hoạt và giảm giá tốt cho những đơn hàng có số lượng lớn, mua theo combo và mua chung.

Hiện tại thị trường TP Hồ Chí Minh, cũng có nhiều dòng bánh Trung thu dành cho thiếu nhi là bánh cá vàng với nhân socola sữa và bánh lợn vàng với nhân phô mai. Đồng thời, có thể kể thêm một số dòng sản phẩm như dẻo đậu xanh sen môn, đẻ sen trà xanh, dẻo sen hạt nhân... Đây được đánh giá là những hương vị khoái khẩu của đa số thiếu nhi Việt Nam, với trọng lượng phù hợp và tạo hình hấp dẫn.

Tùy theo dòng sản phẩm và chủng loại, bánh Trung thu năm 2021 có giá dao động từ 60.000 đồng đến 750.000 đồng/sản phẩm. Riêng những sản phẩm bánh Trung thu được phân phối và bán lẻ theo hộp, combo, mua chung... có giá dao động từ 320.000 đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm, tùy vào thương hiệu bánh.

Cùng với đó, đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu 2021 triển khai áp dụng mức chiết khấu cho đơn vị phân phối và bán lẻ phổ biến dao động từ 10-25%, tùy theo số lượng đơn hàng. Với số lượng 5-10 hộp bánh Trung thu thì nhà phân phối và bán lẻ có thể được hưởng mức chiết khấu dao động từ 5-10%; còn với số lượng từ 201-500 hộp là 24-25%...

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Mỹ Trang, cư ngụ tại Quận 8 chia sẻ, thị trường bánh Trung thu 2021 khá đa dạng về dòng sản phẩm và chủng loại, nhưng người dân lo lắng ở khâu giao nhận hàng hóa bởi, bánh Trung thu là mặt hàng thời vụ và hầu hết người dân đều hy vọng thưởng thức đúng dịp Rằm tháng Tám nên bắt buộc đặt hàng từ khá sớm, nhưng vẫn có rủi ro không nhận được hàng đúng yêu cầu.

"Khi người dân Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó" thì nhiều hoạt động trong sinh hoạt đời sống ngày thường đều được tối giản và cắt giảm. Dù vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến kinh tế-xã hội thì các gia đình vẫn mong muốn có không khí sum vầy, ấm áp trong những dịp Lễ, Tết truyền thống của dân tộc", chị Mỹ Trang chia sẻ thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước