Bán nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/12/2022 11:20 GMT+7

VTV.vn - Thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra cơ hội lớn cho hàng nông sản tiếp cận với Trung Quốc - thị trường nhập khẩu nông sản lớn của nước ta, đặc biệt là rau quả.

Cũng nhờ thương mại điện tử mà nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang đứng trước cơ hội cạnh tranh thương mại bình đẳng tại Trung Quốc. Đó cũng là cách hiệu quả giúp tăng cường hiện diện của thương hiệu nông sản Việt tại thị trường tỷ dân này.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW với các sản phẩm là chanh dây và sầu riêng cấp đông. Doanh thu năm 2022 ước đạt 3,5 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Đáng chú ý, toàn bộ doanh thu này đến từ việc tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba.com.

"Trung Quốc là một thị trường rất rộng lớn và lượng tiêu thụ rất nhiều. Doanh nghiệp mất một năm để tìm hiểu cái quy trình và thủ tục cũng như là thói quen mua hàng của đối tác người Trung Quốc để mang sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử", bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW cho hay.

Từ tháng 3 năm nay, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã triển khai gian hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Theo thông kế, hiện nay, hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống là những sản phẩm nằm trong top 10 mặt hàng bán chạy trên sàn thương mại điện tử này.

Bán nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông sản Việt được rao bán trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.

Ông Andrew Zheng - Phó Tổng Giám đốc Alibaba.com nhận định: "Thương hiệu Việt Nam đã và đang có uy tín mạnh mẽ với khách hàng quốc tế bởi năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và tập trung vào xuất khẩu. Chúng tôi tin tưởng rằng thương mại điện tử B2B sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững

"Đối với sàn thương mại điện tử Amazon.com, Alibaba thì chúng tôi đã có những thỏa thuận ký kết trong một cái thời gian từ 3 -5 năm để làm thế nào chúng ta có thể tận dụng được nguồn lực của hai bên để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp…", bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nói.

Ưu thế của thương mại điện tử là kết nối xuyên biên giới. Khi thực hiện xuất khẩu qua sàn thương mại này, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang đứng trước cơ hội cạnh tranh thương mại bình đẳng. Và cùng với xu hướng xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng thì đây cũng là một trong những cách cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách nhanh chóng và thuận lợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước