Chiều 25/8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 đã chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc linh kiện bên ngoài; đóng cửa biên giới, nhiều thị trường lớn tạm dừng nhập khẩu; nguồn nhân lực không thể di chuyển, đây là những thách thức lớn nhất cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, buộc nước chủ nhà phải chủ động và linh hoạt điều chỉnh lại nội dung làm việc, tập trung ứng phó dịch bệnh, hợp tác nội khối và phục hồi kinh tế.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: PLO)
Sau 8 tháng triển khai các cam kết, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đều thống nhất rằng, các biện pháp mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại hàng hóa, đặc biệt là các thủ tục hải quan đã và đang giúp dòng lưu chuyển hàng hóa khu vực tăng nhanh, nhất là hàng hóa thiết yếu. Kinh tế 10 quốc gia thành viên ASEAN đang dần phục hồi.
Song hành với đó, ASEAN cũng ưu tiên xây dựng các chương trình giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch với nhóm ASEAN+3 như: Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PLO)
Ngay trong phiên họp chiều 25/8,cùng lúc 2 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã được thông qua là Chỉ số Hội nhập số ASEAN và Tài liệu tham chiếu (TOR) về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN.
Việc hoàn thành 13 sáng kiến, ưu tiên kinh tế sẽ góp phần quan trọng củng cố và tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của cộng đồng kinh tế ASEAN, đồng thời giúp ASEAN chủ động ứng phó với các thách thức phi truyền thống trong tương lai. Ngoài ra, việc đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng được xem là một bước đi quan trọng để giảm thiểu tác động của sự đứt gãy chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!