Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, hiện trên thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất lên tới gần 500 triệu người. FAO cũng ước tính, mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị thất thoát hoặc lãng phí. Nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ có đủ lương thực để nuôi sống khoảng 2 tỷ người.
Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, 21 nền kinh tế thành viên của APEC luôn xem việc giảm thất thoát và lãng phí lương thực là một trong những vấn đề trọng tâm trong các tuyên bố chung về an ninh lương thực và Tuyên bố Cần Thơ trong khuôn khổ APEC 2017 cũng không phải là ngoại lệ khi khẳng định giảm tổn thất lương thực là 1 trong 5 vấn đề trọng tâm trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, cho đến nay, tổn thất sau thu hoạch đối với ngũ cốc vẫn ở mức 10 - 15%, tương đương với hơn 4 triệu tấn lúa và gần 1 triệu tấn ngô bị mất mỗi năm. Có những vụ mùa, thiên tai làm sản lượng lương thực sụt giảm tới 30%. Còn trên toàn thế giới, trong thập kỷ qua, thất thoát lương thực lên tới 48 tỷ USD, 77% là do thiên tai, lũ lụt.
Tại Diễn đàn đối thoại cấp cao APEC về an ninh lương thực trong tháng 8, đại diện 21 nền kinh tế cùng nhìn nhận thất thoát và lãng phí lương thực là vấn đề có tầm quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường, vì vậy cần phải kết hợp các nguồn lực công - tư để tìm cách giải quyết phù hợp. Hợp tác công tư cũng là giải pháp trọng tâm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững.
Trong tuyên bố chung Cần Thơ 2017, 21 nền kinh tế thống nhất tiếp tục thực hiện mục tiêu của APEC là giảm 10% thất thoát và lãng phí lương thực vào năm 2020. Đặc biệt, APEC kêu gọi áp dụng hợp tác công tư trong các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực và đầu tư vào chế biến nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!