Những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa là nội dung đáng chú ý trong phiên thảo luận chiều 8/11 của Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.
Mặc dù bày tỏ sự quan ngại về sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nền kinh tế APEC, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp vẫn nhìn thấy cơ hội trong quá trình toàn cầu hóa và Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với sự vận động này.
"Tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam cần làm 3 điều: Thứ nhất là thay đổi hệ thống giáo dục, phải đưa công nghệ vào dạy học và thực nghiệm từ sớm; Thứ 2 là phải đào tạo nhiều kỹ năng cho những lao động mới để sáng tạo hơn; Thứ 3 là chính phủ cần phải có những chính sách để thúc đẩy công nghệ vào những ngành công nghiệp mới. Nếu làm được như vậy thì Việt Nam có thể thành công trong việc thích nghi với quá trình dịch chuyển lao động trong tương lai" - ông Robert Moritz, Chủ tịch toàn cầu PwC, nhấn mạnh.
"Thay đổi thuế, giải quyết tranh chấp, vấn đề tiêu chuẩn an toàn, lương thực… đảm bảo rằng toàn cầu hóa mang tính bao trùm hơn. Rút khỏi toàn cầu hóa không phải là một lựa chọn, thách thức của chúng ta là nỗ lực giúp duy trì đà của toàn cầu hóa" - bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định.
Những quan điểm này đã nhận được sự chia sẻ của các doanh nghiệp Việt Nam, những người không thể đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa.
Hôm nay (9/11), các phiên thảo luận sẽ tiếp tục với một số nội dung đáng chú ý như kỷ nguyên số hay kết nối cho tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!