Ảnh minh họa.
Bỏ thuế giá trị gia tăng với phân bón nảy sinh nhiều bất cập
Trước đây khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) kể từ ngày 1/1/2015 (Luật Thuế 71). Điều này vô hình là nguyên nhân khiến ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế giá trị gia tăng kể từ sau năm 2014.
Thực tế đã chứng minh việc bỏ thuế giá trị gia tăng với phân bón nảy sinh nhiều bất cập, cụ thể khi mua nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ đầu vào, các doanh nghiệp đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên, khi không áp thuế, phân bón đầu ra không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã nộp ở đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất khiến giá phân bón cao hơn. Người nông dân là đối tượng tiêu thụ cuối cùng, chính là người chịu thiệt, phải chịu mức giá cao hơn trước.
Chia sẻ với vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết từ khi áp dụng Luật Thuế 71 đến nay, giá phân bón đã tăng đến 30%.
"Trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1 ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng bao gồm tất cả các chi phí đầu vào. Nhưng từ sau năm 2014, giá phân bón tăng đã khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón đã tăng 30-35% ăn mòn vào lợi nhuận của bà con nông dân," Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng nêu số liệu dẫn chứng.
Ông Hồng lo ngại giá phân bón tăng cao và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không có cơ chế, chính sách mới của Nhà nước sẽ khiến người làm nông nghiệp đuối sức, nhất là các hộ nhỏ lẻ.
Ảnh minh họa Hợp tác xã. (Nguồn:TTXVN)
Tại Toạ đàm tham vấn ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đến ngành phân bón mới đây, TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thời gian qua, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% sang không chịu thuế giá trị gia tăng theo Luật số 71 đã dẫn đến toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể.
Thí dụ, theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Đình Cư - Phó Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ, việc phân bón không được xếp vào các mặt hàng chịu thuế VAT khiến nhà sản xuất không được tính thuế, không phải nộp VAT đầu ra, đồng thời cũng không được khấu trừ VAT đầu vào. Do đó, giá bán sản phẩm phải gồm chi phí sản xuất bao gồm VAT đầu vào khiến chi phí sản xuất tăng. % VAT đầu vào càng lớn thì giá vốn hàng bán ra càng cao. Từ đó, không khuyến khích doanh nghiệp hạch toán phấn đấu giảm giá thành, đồng thời gây ra bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá vốn hàng bán.
Đảm bảo hài hòa lợi ích “3 nhà”
Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa phân bón trở lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% để tránh hiệu ứng tăng giá sản phẩm, hỗ trợ từ gốc cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp.
TS Phùng Hà kiến nghị Sửa đổi Luật số 71 phần liên quan đến phân bón theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%. Bên cạnh đó, xem xét sửa đổi Nghị định 26 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc: Áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ mang lại lợi ích cho "3 nhà": Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tất cả các bên, theo ông Nguyễn Đình Cư, bên cạnh việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, các cơ quan nhà nước (Ngân sách nhà nước và Cơ quan thuế) cần tăng thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu, tăng cường quản lý thuế, tạo môi trường thuế bình đẳng, tăng khối lượng công việc để giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!