Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu

Quốc Anh-Chủ nhật, ngày 03/10/2021 15:12 GMT+7

VTV.vn - Tháng 6 năm nay, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường Thái Lan.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: 4 năm qua, diện tích trồng mía cả nước đã giảm hơn 1 nửa, hơn 150 nghìn hộ nông dân không thể tiếp tục trồng mía. 16 trong tổng số 40 nhà máy đường phải đóng cửa.

Một trong những nguyên nhân chính là do những năm qua, lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh và bán với giá rất rẻ, khiến đường trong nước không thể cạnh tranh.

Tháng 6 năm nay, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường Thái Lan và đang tiếp tục điều tra việc đường Thái Lan lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Lượng đường giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua vẫn tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, lượng đường này không xuất phát từ Thái Lan nữa mà là từ 5 nước khác là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Những nước mà xuất khẩu đường sang Việt Nam, thuế đang rất thấp.

Hiệp hội Mía đường nhận định, đường của 5 nước này, rất có thế, cũng là đường được nhập từ Thái Lan, rồi xuất sang Việt Nam, để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu - Ảnh 1.

Phòng vệ thương mại hỗ trợ ngành mía đường “đứng vững” trước hội nhập. Hình minh họa. Ảnh: Báo Đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: "Năng lực sản xuất mía đường từ 5 nước này là bình thường thậm chí kém Việt Nam nhưng cả 5 nước này đều có điểm chung là đều nhập đường Thái Lan. Nếu lượng đường này cứ tiếp tục tràn vào trong nước thì rõ ràng là ngành đường trong nước không thể nào tồn tại được. Như vậy, tác dụng phòng vệ thương mại của các biện pháp phòng vệ thương mại coi như bị vô hiệu hóa".

Hiệp hội mía đường cũng đánh giá, quyết định điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương là rất kịp thời, phần nào sẽ có tác động ngay, để dòng đường giá rẻ vào Việt Nam giảm bớt. Thế nhưng, trên thực tế thì quá trình điều tra này cũng sẽ rất phức tạp và có thể kéo dài.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, nói: "Chúng tôi sẽ cần những căn cứ từ nhiều bên, không chỉ từ doanh nghiệp trong nước mà còn từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài. Trên cơ sở đó thì chúng tôi mới có thể có những đánh giá chính xác xem có hay không việc lẩn tránh phòng vệ thương mại".

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bên cạnh việc chờ đợi điều tra, thì ưu tiên hiện nay là phải nâng giá mía. Giá mía ở Việt Nam đang gần như là thấp nhất khu vực. Nâng được giá mía thì mới giữ được người nông dân trồng mía.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước