Động thái này kết thúc 11 năm dài tranh cãi gay gắt xung quanh việc có nên hay không xây dựng tuyến đường sắt đắt đỏ này. Tầm nhìn của chính phủ Anh với tuyến đường sắt này, không chỉ là nâng cấp về hạ tầng giao thông, mà hướng đến vẽ lại bản đồ các vùng phát triển kinh tế của nước Anh nói chung.
Dự án đường sắt cao tốc HS2 của Anh được giới thiệu lấy ý kiến lần đầu từ tháng 1/2009. Tuyến đường sắt mới được xem là một trong những dự án hạ tầng tranh cãi nhất tại Anh từ trước tới nay. Những mốc thời điểm tranh luận, nâng lên đặt xuống cân nhắc được chỉ rõ trong một nhan đề của Financial Times. Có nhiều lý do cho tranh cãi, nhưng cơ bản nhất vẫn là chuyện tài chính. Chi phí dự án này được tính toán rơi vào khoảng 32 tỷ Bảng năm 2011, đến nay đã tăng gấp hơn 3 lần, lên đến 106 tỷ Bảng. Với mức chi phí này, đây là dự án hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay ở châu Âu và cũng được cho là tốn kém nhất thế giới.
Theo BBC, bản thân Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thừa nhận, chấp thuận tiến hành dự án là một trong những quyết định khó khăn. Các quan điểm ủng hộ dự án cho rằng, nước Anh có nhiều lý do để cần một tuyến đường sắt cao tốc mới. Tuyến đường này nối thủ đô London với các thành phố công nghiệp lớn ở miền Trung và phía Bắc, như chạy qua Birmingham, lên Manchester và Leed.
Một trong những lý do quan trọng nhất tuyến đường được ủng hộ là khả năng tạo động lực phát triển mới cho các thành phố trên và vùng phụ cận. Từ lâu vốn có không ít ý kiến chỉ trích sự phát triển kinh tế thiếu cân bằng giữa các vùng ở Anh. Tăng trưởng tập trung ở London và khu vực đông Nam, trong khi trì trệ tại nhiều khu vực còn lại của đất nước. Ngoài việc tái cân bằng các khu vực phát triển, theo BBC, lợi ích của một tuyến đường sắt mới, còn là thời gian di chuyển, tăng năng suất và tạo thêm việc làm.
Trong khi đó theo một nghị sĩ đảng dân chủ tự do, lý do cho việc nên xây dựng tuyến đường sắt mới là các tác động tốt về lâu dài tới môi trường. Việc cắt giảm tần suất các chuyến bay nội địa có vai trò quan trọng trong nỗ lực cắt phát thải carbon và đối phó biến đổi khí hậu, thay vào đó nên khuyến khích người dân chuyển từ máy bay sang đi tàu.
Cũng theo BBC, việc thông qua dự án nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của giới doanh nghiệp Anh. Đại diện liên đoàn công nghiệp Anh cho rằng, đây là một quyết định táo bạo và tạo niềm tin tích cực cho nền kinh tế. Ngoài ra vào thời điểm hậu Brexit, đây được xem là động thái khẳng định cam kết một nước Anh cởi mở với doanh nghiệp, và mong muốn nâng tầm quốc gia.
Cái khó với tất cả các dự án hạ tầng là đong đếm cụ thể được tác động và lợi ích về kinh tế mà dự án mang lại, vì điều này cần thời gian, nhất là khi con số chi phí xây dựng ban đầu lại cao một cách nổi bật, người ta càng cảm thấy hoài nghi về hiệu quả thực sự của đồng vốn. Trả lời trước những tranh cãi chưa dừng sau quyết định xây đường sắt, Chính phủ Anh cam kết sẽ chỉ định riêng một bộ trưởng phụ trách dự án, chuyên chăm lo đốc thúc về tiến độ và rà soát cắt giảm những chi phí không cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!