Khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức đã 3 lần được thông báo tổ chức đấu giá, với mức giá khởi điểm là 60,9 triệu đồng/m2, nhưng không có nhà đầu tư tham gia, nên không thể đấu giá thành công. Đây là thực trạng không chỉ diễn ra tại Hoài Đức, Hà Nội, mà còn diễn ra tại một số địa phương khác, gây khó trong việc tăng nguồn thu ngân sách.
Thực trạng này trái ngược với khung cảnh tấp nập tại các buổi đấu giá đất cách đây khoảng 2 năm trước. Đại diện địa phương lý giải, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm lại được đưa ra từ cuối năm 2022, dựa trên mức trúng đấu giá của phiên đấu giá trước, thời điểm thị trường vẫn sôi động nên không còn phù hợp với thị trường. Mặc dù địa phương muốn đưa giá khởi điểm về mức thấp hơn, nhưng chưa có quy định cụ thể để thực hiện.
"Giá khởi điểm không thu hút được nhà đầu tư quan tâm cũng như khách hàng có nhu cầu. Nếu giảm thì phải đi xác định lại giá từ đầu, nhưng cơ sở để xác định giảm rất khó. Khi ta tổ chức 1 lần, 2 lần, 3 lần không có nhà đầu tư tham gia, được giảm bao nhiêu thì không có quy định, rất khó trong việc xác định giá khởi điểm", ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cho biết.
Theo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 28 phiên đấu giá không thành. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Tại huyện Đông Anh, Hà Nội, thời gian qua, huyện cũng liên tiếp tạm dừng đấu giá đất trước phiên tại 2 xã Vân Hà và Liên Hà.
Từ đầu tháng 7, TP Hà Nội đã ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên.
Các doanh nghiệp cho rằng cần có sự đồng bộ trong các văn bản pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay về định giá đất.
"Các luật phải đồng bộ với nhau, văn bản cần cụ thể, rõ ràng, lúc đó có ủy quyền cho cấp xã đi chăng nữa thì các cán bộ nhà nước đều dễ dàng thực hiện và hiểu giống nhau, làm giống nhau", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản G6, nhận định.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 28 phiên đấu giá không thành. Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự linh hoạt hơn về mức giá khởi điểm, để gỡ khó cho các địa phương.
Vướng mắc trong đấu giá đất tại Hà Nội VTV.vn - Thị trường bất động sản hiện đang giảm giá mạnh. Điều này cũng đang tác động rất lớn tới công tác đấu giá đất tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!