Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đồng AIPA 41, sáng nay, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 tại từng quốc gia, cũng như đưa ra các đề xuất nhằm phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch.
Các đại biểu khẳng định, sự lây lan của đại dịch COVID-19 là một khủng hoảng chưa từng có mà khu vực và thế giới phải đối mặt, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và sinh kế, đời sống của người dân trên toàn thế giới.
Ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đồng AIPA 41.
Với 27 triệu người nhiễm, số ca tử vong lên đến gần tới 1 triệu người, cuộc khủng hoảng y tế trên phạm vi toàn cầu đã biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Theo các đại biểu, nghị viện cần nâng cao vai trò để cùng Chính phủ thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
"Cần có cách tiếp cận đa ngành, đa bên, trong đó có vai trò các nghị sĩ AIPA để giải quyết thách thức phục hồi kinh tế. Các biện pháp đó có thể gồm hoạt động lập pháp như tham gia thông qua ngân sách, cũng như giám sát chặt chẽ quá trình phục hồi với tầng lớp dễ bị tổn thương", bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman, thành viên Nghị viện, Hội đồng Lập pháp Brunei, nhấn mạnh.
"AIPA phải đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực, thông qua các biện pháp thích ứng, bao trùm, hướng tới người dân, đồng thời đưa ra các khuôn khổ pháp lý, sửa đổi các điều luật liên quan", bà Rose Marie Arenas, Phó Chủ tịch Hạ viện Phillipnes, nói.
Cũng tại phiên họp, một số đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường tự do đi lại trong khu vực ASEAN, hay tạo lập chuỗi giá trị trong khu vực bởi đây là những yếu tố quan trọng giúp phục hồi kinh tế khi dịch bệnh kết thúc.
Bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman (thành viên Nghị viện, Hội đồng Lập pháp Brunei) phát biểu.
"Cần tái khởi động nền kinh tế xuyên ASEAN bằng cách sắp xếp cụ thể, đưa ra một khu vực giao thông trong ASEAN, nhất là giữa các doanh nghiệp thiết yếu cũng như người dân bên cạnh việc tiếp tục duy trì những hướng dẫn về phòng chống COVID-19", ông Sihar Sitorus, thành viên Ủy ban Hợp tác Liên nghị viện Indonesia, nêu ý kiến.
"Tôi cho rằng cần địa phương hóa các hoạt động kinh tế trong ASEAN. Các quốc gia ASEAN đã hưởng lợi nhiều từ hoạt động hội nhập kinh tế, tuy nhiên COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp địa phương hóa chuỗi cung ứng, có thể thử nghiệm chính sách khu vực hóa, xử lý chuỗi cung ứng ở khu vực, miễn dịch trước các biến cố, dịch bệnh trong tương lai", ông Wong Chen, thành viên Nghị viện Malaysia, nói.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần thúc đẩy hợp tác khu vực, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ số để xây dựng một ASEAN có thể chống chịu trước các thách thức hiện nay và trong tương lai.
Sau khi cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết, thành viên các nước đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban Kinh tế, AIPA 41.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!