Điều này có thể sẽ khiến các thương hiệu sản xuất tiêu dùng phải dè chừng khi Tập đoàn Aeon đang lên chiến lược tiếp tục đầu tư vào sản xuất sản phẩm riêng của mình.
Dẫn đầu chiến lược này là Trung tâm thương mại Tân Phú Celadon của Aeon tại TP.HCM, bán các bộ quần áo sơ mi màu sắc rực rỡ mang phong cách Việt Nam, giá bán chỉ khoảng 149.000 đồng/bộ, thấp hơn nhiều so với các thương hiệu nổi tiếng. Hay Giorno Mimosa, một cửa hàng thuộc sở hữu của Aeon, nhãn hiệu này dành riêng cho người Việt, sở hữu hơn 100 mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách và ví. Doanh thu dự kiến tăng 50% trong năm nay. Đặc điểm của những sản phẩm này đó là được xây dựng theo tiêu chuẩn và quảng cáo chất lượng Nhật Bản, mang thương hiệu Aeon, nhưng được gia công bởi các công ty Việt Nam.
"Chúng tôi đã tăng doanh thu được 60% bằng cách tập trung vào văn hóa và thị hiếu của người Việt Nam", ông Yasuo Nishitoghe - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết trên Nikkei. Chiến lược thúc đẩy các nhãn hiệu riêng của Aeon bao gồm việc thỏa mãn nhu cầu mua sắm giá rẻ của người Việt Nam và mở nhiều cửa hàng có khả năng cung cấp các sản phẩm này. Chiến lược phát triển nhãn hiệu riêng không phải là vô cớ.
Tăng trưởng ở nước ngoài từ lâu đã là một chiến lược cốt lõi của Aeon khi tập đoàn đến từ Nhật Bản này phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số ở trong nước. Lý do thứ 2 quan trọng hơn, đó là năm 2016, Aeon đã nhập hàng từ các thương hiệu chất lượng cao của Nhật được nhiều người Việt Nam biết đến để bán tại đây nhưng khoảng một nửa trong số đó không bán được. Sau đó, Aeon đã từ bỏ ý tưởng rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ đơn giản mua hàng Nhật Bản vì thương hiệu quốc gia.
Mức thuế quan trong khu vực Đông Nam Á đã được hạ xuống mức gần như bằng không, Aeon cho biết sẽ tận dụng lợi thế này bằng việc phát triển 20 sản phẩm có thể bán qua các quốc gia. Chỉ còn một rào cản với Aeon chính là chuỗi bán lẻ địa phương.
Tại chuỗi siêu thị Co.opmart của Việt Nam, 10% sản phẩm là thương hiệu riêng của Co.opmart. Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi do Tập đoàn Vingroup điều hành cũng cung cấp nhiều loại rau, và các thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày do chính tập đoàn này sản xuất, mặc dù tỷ lệ phần trăm chưa được tiết lộ.
Nghiên cứu nắm bắt tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, thuê gia công Việt Nam, định giá phải chăng, nhưng thương hiệu và tiêu chuẩn Nhật. Chiến lược này gần như tối ưu hóa được mọi thế mạnh mà không vướng phải các vấn đề pháp lý như đã từng xảy ra với các chuỗi đồ tiêu dùng gắn tên Nhật Bản, Hàn Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!