ADB: Kinh tế Việt Nam tăng 6,5% trong năm 2022

P.V-Thứ tư, ngày 06/04/2022 14:47 GMT+7

VTV.vn - Ngày 6/4 tại Hà Nội, Ngân hàng ADB tổ chức họp báo công bố Báo cáo Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát cùng nhiều vấn đề khác.

Theo đó ghi nhận, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 nhờ vào việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động thương mại; cũng như, tiếp tục thực hiện nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries cho biết, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 mới đây đã cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam khiến thị trường lao động bị thắt chặt và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng 6,5% trong năm 2022 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB nhấn mạnh, thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% trong năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.

Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023.

Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương và sự dịch chuyển lao động phục hồi đang dần khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Tình trạng nhiễm COVID-19 cao kể từ giữa tháng 3, nếu không được giảm bớt, có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam.

Báo cáo nhận định, sự phục hồi của nền kinh tế cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước