Tính đến hôm nay (18/9), mới có hơn 50 trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đạt 5% tổng số lượng. Trong khi chỉ còn một tháng tới, hơn 900 trái phiếu doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký giao dịch. Để gỡ những nút thắt về sự chậm trễ này, một hội nghị đã được tổ chức tại Hà Nội.
Gần 13.000 tỷ đồng đã được giao dịch qua sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung sau 2 tháng triển khai. Giá trị trung bình mỗi ngày giao dịch đạt gần 270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hơn 70% trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch là của nhóm ngân hàng. Nhà đầu tư chuyên nghiệp - nhóm tạo ra một nửa thanh khoản toàn thị trường là các công ty chứng khoán.
"Chúng tôi phải lựa chọn những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt và có tên tuổi trên thị trường. Khi phân phối ra thị trường, chúng tôi đi vào nhiều nhóm nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, các công ty, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư", bà Trần Thị Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), cho biết.
Tính đến 18/9, mới có hơn 50 trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Lượng hàng trên sàn tập trung mới đạt 5%, bởi nhiều doanh nghiệp phát hành chưa hiểu đúng về quy trình, thủ tục để đăng ký giao dịch. Các công ty chứng khoán cho biết có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa trái phiếu lên sàn. Để sẵn sàng tiếp nhận hơn 900 trái phiếu doanh nghiệp trong một tháng tới, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Ngày 19/10 là hạn cuối cùng để tất cả các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải lên sàn giao dịch tập trung, nếu không muốn bị xử phạt.
"Trên thị trường chứng khoán đã quy định rõ các chế tài, áp dụng cho các doanh nghiệp vi phạm thời hạn giao dịch theo quy định của pháp luật. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 400 triệu đồng. Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải thực hiện thông qua hệ thống đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tất cả những hình thức chuyển quyền sở hữu khác đều không được coi là phù hợp với quy định của pháp luật", bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay.
Thanh khoản trên sàn tập trung tăng mạnh, niềm tin của nhà đầu tư đang quay trở lại, đây là thời điểm để các tổ chức phát hành nhanh chóng đưa trái phiếu của mình lên giao dịch, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa huy động thêm được những nguồn vốn cho trung và dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!