6 quốc gia vỡ nợ, 1/3 các nền kinh tế mới nổi điêu đứng và các xu hướng mới thời hậu COVID-19

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 18/04/2021 15:04 GMT+7

VTV.vn - Thế giới đã bắt đầu nhận diện những xu hướng mới được cho sẽ là động lực mới cho quá trình hồi phục hậu COVID-19.

Cả năm vừa qua, các tác động của COVID-19 với thế giới, với nền kinh tế, hệ thống y tế, với đời sống, hay các vấn đề xã hội…đã được bàn đến.

Thừa nhận sự tác động sâu sắc của dịch bệnh với sự vận hành vốn dĩ đang được coi là bình thường của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đồng nghĩa thấy được những điểm yếu, sự dễ tổn thương trong hệ thống vận hành đó. Nguyên tắc thông thường tự nhiên là chúng ta tìm kiếm cách thức thích nghi và điều chỉnh để khắc phục các điểm yếu đã thấy. Cũng với các vận động tự nhiên này, những xu hướng mới thành hình.

Với bất kỳ sự vận động nào cũng vậy, nhận diện và nắm bắt sớm sự thay đổi xung quanh, cơ hội cũng sẽ lớn hơn.

6 quốc gia vỡ nợ, 1/3 các nền kinh tế mới nổi điêu đứng và các xu hướng mới thời hậu COVID-19 - Ảnh 1.

COVID-19 khiến quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh. (Ảnh: Getty)

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng nhận diện xu hướng thế giới hậu COVID-19 là một điều rất quan trọng, bởi các xu hướng này đã và đang hình thành. Nếu nhận diện được xu hướng đó sớm và tranh thủ được thì đó là cơ hội, nếu không nhận diện được thì đó sẽ là thách thức.

"Theo Điều phối viên trưởng của Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, có 5 xu hướng mới đó là:

- Các cuộc khủng hoảng ngày càng cộng hưởng với nhau thành các cuộc khủng hoảng kép;

- Đang có một sự rạn nứt trên hệ thống toàn cầu. Rạn nứt này không chỉ xuất phát từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây ra sự phân tách nhất định trong một số thị trường cục bộ, mà nó còn là quá trình điều chỉnh của tiến trình toàn cầu hóa để cho nó bền vững hơn, an toàn hơn;

- Sự xói mòn của giá trị đã được hình thành từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay. Đặc biệt là sự suy giảm vai trò của thể chế kinh tế toàn cầu và sẽ xuất hiện nhiều thể chế mới, các hệ quản trị toàn cầu mới;

- Sự chuyển đổi mô hình kinh tế do sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra rất nhiều đòi hỏi mới, thách thức mới;

- Sự khủng hoảng xã hội gắn với các cuộc khủng hoảng trên, đó là sự mất công bằng trong tăng trưởng, mất cân đối trong phân phối thành quả của tăng trưởng cũng như rủi ro của tăng trưởng đối với các thành phần trong xã hội", Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn chia sẻ.

Theo giới phân tích, thực chất những tác động của dịch bệnh với hệ thống kinh tế toàn cầu thể hiện một điểm yếu trong khái niệm vĩ mô hơn - mô hình phát triển. Đây là một khái niệm rộng và bao trùm.

Phát triển bền vững hậu COVID-19

Đại dịch COVID-19 ập đến khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giao thương đình trệ, kinh tế thế giới suy giảm chưa từng có. 17 mục tiêu phát triển bền vững ngày càng bị chậm lại do COVID-19.

"6 quốc gia đã vỡ nợ, 1/3 các nền kinh tế mới nổi đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính. Tình hình thậm chí tồi tệ hơn với các nước thu nhập thấp, kém phát triển. Những mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc hay thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu ngày càng nằm ngoài tầm với", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định.

6 quốc gia vỡ nợ, 1/3 các nền kinh tế mới nổi điêu đứng và các xu hướng mới thời hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Nhiều nền kinh tế chuyển dịch nhà máy sản xuất về trong nước để tự chủ nguồn cung trước sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch. (Ảnh minh họa: Reuters)

COVID-19 cũng phơi bày những điểm yếu của các mô hình phát triển hiện tại.

"Hệ thống toàn cầu của chúng ta đã trở nên tê liệt. Các cường quốc đang rút lui khỏi các thể chế hoặc lợi dụng các tổ chức này vì lợi ích riêng", bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng chính COVID-19 đã buộc các nước phải đưa ra các chiến lược thay đổi, thích ứng, xu hướng phát triển bền vững trở thành chủ đạo.

Nhiều nước đẩy mạnh điều chỉnh chuỗi cung ứng, tự chủ và tăng cường năng lực nội tại. Liên minh châu Âu đưa ra chiến lược dược phẩm theo hướng tự chủ, giảm lệ thuộc bên ngoài với các mặt hàng dược phẩm cơ bản. Trong khi nhiều nền kinh tế chuyển dịch nhà máy sản xuất về trong nước để tự chủ nguồn cung trước sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch. Đi cùng với đó, hợp tác đa phương cũng trở nên cấp thiết để đảm bảo phục hồi bền vững và đồng đều.

"Phần lớn quá trình phục hồi của các nước sẽ kéo dài tới năm 2022 hoặc lâu hơn. Họ thậm chí không thể đạt được sự tăng trưởng như trước thời điểm đại dịch cho tới tận năm 2023, 2024, trừ phi có sự hợp tác đa phương một cách mạnh mẽ", bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay.

Phát triển bền vững cũng không thể thiếu phát triển kinh tế xanh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore đã đưa ra Kế hoạch xanh với mục tiêu đẩy mạnh năng lượng tái tạo, phát triển các phương tiện không phát thải, mô hình đô thị xanh.

Trong khi đó, COVID-19 cũng khiến quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh, các công nghệ không chạm đạt những bước phát triển vượt bậc, ứng dụng công nghệ số mọi mặt đời sống xã hội được đẩy mạnh, các mô hình chính phủ điện tử, liên kết trực tuyến toàn cầu trở thành xu hướng tất yếu.

Phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là yêu cầu cấp thiết, động lực quan trọng cho thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu hậu COVID-19.

COVID-19 trở thành cú hích cho kinh tế số

Chuyển đổi số là khái niệm được đánh giá sẽ không tách rời trong mô hình phát triển bền vững hậu COVID-19. Số hóa đã hiện diện trong nhiều mặt của đời sống ngay từ trước dịch, từ công việc kinh doanh hàng ngày của các tiểu thương, đến chiến lược quản trị của doanh nghiệp, hay cả các chính phủ. COVID-19 được xem giống như một sự việc vô hình chung tạo tác động trực tiếp, đưa khái niệm số hóa trở nên gần gũi, thiết thực và thực tiễn hơn.

Tại một khu chợ truyền thống ở Indonesia, ngồi bên cạnh thùng rau củ quả của mình, ông Endih tập làm quen với công việc mới, đó là kiểm tra đơn đặt hàng online trên điện thoại.

Kể từ khi phong tỏa, hoạt động kinh doanh của ông giảm ít nhất 60%, nhưng hiện nếu không thích nghi với bán hàng trực tuyến thì sẽ không có doanh thu.

Tại Thủ đô Jakarta, giới chức tại đây đã thiết lập một trang web để giúp các nhà bán lẻ nhỏ như ông Endih bán trực tuyến mùa dịch.

COVID-19 đã khiến những người bán rau ở chợ cũng phải số hóa, trở thành một phần của nền kinh tế số.

Những biện pháp phong tỏa, hạn chế đã trở thành cú hích cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên không gian mạng. Thương mại điện tử lên ngôi, thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ cập. Thống kê cho thấy tỷ trọng của thương mại điện tử trong giao thương toàn cầu đã tăng từ mức 14% của năm 2019 lên 17% của năm 2020.

6 quốc gia vỡ nợ, 1/3 các nền kinh tế mới nổi điêu đứng và các xu hướng mới thời hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Livestream bán hàng online trở thành xu hướng phổ biến trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Getty)

COVID-19 cũng đẩy nhanh việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Làm việc từ xa từ chỗ là một phương án tình thế nay sẽ trở thành tương lai, như Microsoft vẫn sẽ cho 150.000 nhân viên làm việc tại nhà vô thời hạn kể cả khi đại dịch chấm dứt.

"Về dài hạn, rất nhiều công ty sau khi trải qua dịch bệnh sẽ nhận ra rằng làm việc từ xa là khả thi đối với rất nhiều công việc trước đây họ thực sự không nghĩ đến", ông Brad Bell, Giáo sư ngành Quản trị nguồn nhân lực, Đại học Cornell, chia sẻ.

Ngay cả các chính phủ cũng đang tận dụng COVID-19 thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Tại Hy Lạp, cổng dịch vụ công trực tuyến đã được ra đời trong đại dịch, nhằm giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và người dân thời giãn cách.

"Chúng tôi đã tạo ra một điểm truy cập duy nhất mà ở đó người dân có thể tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm. Bất kỳ ý tưởng mới hoặc bất kỳ dịch vụ mới nào mà chúng tôi cung cấp cho công dân sẽ được tích hợp ở đó", ông Kyriakos Pierrakakis, Bộ trưởng Quản trị Kỹ thuật số của Hy Lạp, cho biết.

6/10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay là doanh nghiệp chuyên công nghệ số, dữ liệu. Với chính phủ và các doanh nghiệp, chuyển đổi nền tảng công nghệ số sẽ có cơ hội bứt phá trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Triển vọng phục hồi xanh

Cũng giống như số hóa - chuyển đổi số, tăng trưởng xanh cũng không phải là khái niệm mới, nhưng nhắc đến một mô hình bền vững, không thể tách rời yếu tố xanh. COVID-19 là một cú sốc, nhưng cũng là một động lực đáng kể cho một giai đoạn thay đổi thực chất.

Bên trong những điều chỉnh theo hướng bền vững, khắc phục các điểm yếu sau đại dịch, chính sách phục hồi xanh, hỗ trợ gia tăng khả năng chống chịu là mục tiêu cao nhất mà Liên Hợp Quốc và thế giới hướng đến.

Tài nguyên của chúng ta đang tập trung vào chống dịch COVID-19, nhưng những cuộc khủng hoảng khác vẫn ở đó, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Như vậy, để cân đối các nỗ lực phục hồi, tránh để khủng hoảng chồng khủng hoảng, tăng trưởng xanh là một trong những trọng tâm cần được đề cao.

Đi đầu về các nỗ lực này là khối EU. Ngay sau khi đạt được thỏa thuận phân bổ gói ngân sách chung 1.000 tỷ Euro để phục hồi sau đại dịch, 27 nước đã thống nhất ngay một mục tiêu ưu tiên thứ 2, có ràng buộc, đó là trở thành khối trung tính carbon vào năm 2050, tức là không thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

"Chúng tôi sẽ huy động đầy đủ mọi nguồn lực, vì đây sẽ là một thay đổi kiểu mẫu. EU dành 1.800 tỷ Euro trong những năm tới để ứng phó biến đổi khí hậu", ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, gian nan nhất là vấn đề tìm kiếm những mốc cắt giảm sự phụ thuộc vào than, đặc biệt với các quốc gia như Ba Lan, hay Đức. Ngoài ra, đó còn là một lộ trình cụ thể để thúc đẩy năng lượng xanh, cấm xe động cơ đốt trong, chuyển đổi chăn nuôi bền vững, hay là các chiến lược, công nghệ không phát thải, không ô nhiễm nói chung.

Với các khối thịnh vượng như EU, cân đối giữa phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng xanh là một công việc đòi hỏi sự thỏa hiệp lớn, nhưng nó được dự báo sẽ còn khó khăn hơn nhiều, với các quốc gia thu nhập trung bình và thấp.

Một khủng hoảng như dịch COVID-19 tiếp tục nhắc nhở về việc chúng ta đang sống chung trong một thế giới có sự liên quan chặt chẽ. Phục hồi đòi hỏi sự hợp tác khẩn cấp và thực chất ở quy mô toàn cầu.

Xu hướng quốc tế hậu COVID-19 và cơ hội Việt Nam

Đánh giá những xu hướng toàn cầu quan trọng cũng đồng nghĩa nắm bắt xu hướng có thể tạo cơ hội cho Việt Nam bứt phá về phát triển. Tọa đàm quốc tế "Các xu hướng lớn trên thế giới hậu COVID-19 kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam" diễn ra tuần qua tại Hà Nội đã phân tích những cơ hội, tiềm năng lớn mà Việt Nam có thể khai thác, để hỗ trợ tối đa cho giai đoạn hậu COVID-19 và quá trình phát triển xa hơn.

6 quốc gia vỡ nợ, 1/3 các nền kinh tế mới nổi điêu đứng và các xu hướng mới thời hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Các chuyên gia đánh giá xu hướng phục hồi xanh rất phù hợp với Việt Nam do nước ta chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Dân trí)

Các chuyên gia, học giả đã phân tích 3 xu hướng chủ đạo của quốc tế, khu vực đang hướng đến trong giai đoạn hậu COVID-19. Cụ thể, xu hướng chuyển đổi số: nền kinh tế số sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy kết nối kinh tế. Xu hướng chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bao trùm, bền bỉ và bền vững hơn, trong đó các học giả nhấn mạnh, đảm bảo tính công bằng trong thu nhập, công bằng trong phát triển, cũng như tiếp cận các cơ hội, tình trạng chênh lệch giàu nghèo đang là thách thức. Xu hướng tăng trưởng xanh tức là nhấn mạnh tới yếu tố môi trường.

"Một điểm cũng cần lưu ý là kinh tế số không thể nào thay thế cho kinh tế thực. Kinh tế số có thể hỗ trợ cho nền kinh tế thực, hỗ trợ cho sản xuất, ví dụ hỗ trợ cho việc tăng cường tiếp xúc giữa người mua và người bán. Đặc biệt trong giai đoạn khi có đứt đoạn về chuỗi cung ứng, đứt đoạn về thị trường, kinh tế số có vai trò kết nối lại, bù đắp lại", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho hay.

Các chuyên gia đánh giá xu hướng phục hồi xanh rất phù hợp với Việt Nam do nước ta chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh được gắn chặt với xu hướng chuyển đổi số và công bằng xã hội.

Xung quanh vấn đề xác định thời điểm bước vào giai đoạn hậu COVID-19, một số ý kiến cho rằng đây là nhận định rất quan trọng của mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế. Nếu quyết định bước vào giai đoạn hậu COVID-19 quá sớm có thể làm bùng phát dịch bệnh trở lại và gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu bước vào quá muộn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt, nền kinh tế không thể hấp thụ được những dòng tiền này, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng bong bóng và các hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế. Ngoài ra, kiểm soát dòng người khi nhu cầu đi lại bùng nổ sau dịch bệnh, cũng nên được Chính phủ và doanh nghiệp tính tới ngay từ thời điểm này.

Vấn đề phát triển của một quốc gia luôn đặt trong bối cảnh các mối liên hệ với khu vực và thế giới, có sự liên thông, tác động qua lại. Đánh giá những kinh nghiệm quốc tế, bài học trong các xu hướng toàn cầu sẽ có thể có những đề xuất ưu tiên chính sách trong chiến lược phát triển nội tại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và ưu tiên phát triển của Việt Nam, cũng là cơ hội để Việt Nam đón đầu các xu hướng lớn của thế giới, kết hợp hiệu quả sức mạnh quốc gia và ngoại lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho các đột phá hướng đến các mục tiêu phát triển.

“Cơn sốt” NFT - Xu hướng tài chính mới hay một “bong bóng” đầu cơ? “Cơn sốt” NFT - Xu hướng tài chính mới hay một “bong bóng” đầu cơ?

VTV.vn - Một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của robot Sophia đã được bán với giá 688.888 USD trong cuộc đấu giá vào thứ Năm dưới dạng NFT - chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước