1. Gia tộc Walton
Tài sản: 238,2 tỷ USD
Công ty: Walmart (lĩnh vực bán lẻ)
Ảnh: Rick T.Wilking/Stringer.
Gia tộc giàu có Walton (Mỹ) sở hữu tập đoàn bán lẻ tiêu dùng lớn nhất thế giới xét theo doanh thu. Theo ước tính của Bloomberg, gia tộc này sở hữu khối tài sản hơn 238 tỷ USD. Tập đoàn Walmart được thành lập năm 1962 tại Arkansas bởi Sam Walton. Ông Sam Walton có 4 người con. Mặc dù giàu có, nhưng gia đình họ có lối sống khá giản dị.
Con trai cả nhà Walton, Samuel Robson, có một bộ sưu tập xe hơi cổ. Cô con gái Alice không tham gia nhiều vào công việc kinh doanh, thay vào đó lựa chọn theo đuổi đam mê nghệ thuật. Bộ sưu tập cá nhân của cô được cho là bao gồm các tác phẩm của Andy Warhol và Georgia O'Keeffe. Năm 2014, cô từng chi hơn 44 triệu USD để mua một bức tranh của O'Keeffe, trang The Observer đưa tin.
Nhà Walton được cho là cũng tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện. Quỹ từ thiện Walton Family Foundation được lập ra năm 1987 là cách để nhà Walton giáo dục con cái cách cho đi và làm việc cùng nhau.
2. Gia tộc Mars
Tài sản: 141,9 tỷ USD
Công ty: Mars (sản xuất bánh kẹo và sản phẩm cho thú cưng)
Bà Jacqueline Mars, con gái nhà sáng lập tập đoàn Mars và hai người cháu (Ảnh: Getty).
Tập đoàn Mars (Mỹ) được lập ra bởi ông Frank Mars, người đã khởi nghiệp với công ty sản xuất kẹo quy mô nhỏ từ năm 1911. Đến nay, công ty Mars đang phân phối bánh kẹo khắp thế giới, sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như M & M, Milky Way và Snickers. Mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc thú cưng cũng mang lại khoảng một nửa doanh thu cho gia tộc Mars.
Trải qua hơn 100 năm hoạt động với 4 thế hệ lãnh đạo, ngày nay Mars là một trong số ít các công ty khổng lồ trên thế giới vẫn thuộc sở hữu gia đình.
Mặc dù sở hữu một gia tài khổng lồ, nhưng các thành viên của gia tộc Mars sống khá kín tiếng. Jacqueline Mars, người hiện nắm khoảng 1/3 cổ phần của Mars, dường như là thành viên duy nhất trong gia tộc cởi mở hơn về đời tư. Bà là con gái của Forrest Mars và là cháu gái của Franklin Mars. Bà được cho là sở hữu một bất động sản ở New Jersey có giá trị 2 triệu USD.
3. Gia tộc Koch
Tài sản: 124,4 tỷ USD
Công ty: Koch Industries (Lĩnh vực công nghiệp)
Anh em tỷ phú David và Charles Koch (Ảnh: Getty).
Bốn anh em nhà Koch được thừa kế một công ty dầu mỏ từ cha mình. Tuy nhiên, do mâu thuẫn vào những năm 1980, hai người trong số họ là Frederick và William quyết định rút khỏi công ty gia đình. Hai người còn lại là Charles và David đã gây dựng để công ty gia đình trở thành doanh nghiệp tỷ USD.
Theo số liệu của Investopedia, Tập đoàn Koch Industries (Mỹ) hiện có khoảng 130.000 nhân viên trên khắp thế giới. Tập đoàn này kinh doanh trong lĩnh vực trang trại chăn nuôi, đầu tư và kinh doanh hàng hóa. Anh em tỷ phú Koch cũng đầu tư vào bất động sản.
Charles sở hữu một bất động sản ở Wichita. Trước khi qua đời vào năm 2019, David được biết đến với danh mục đầu tư bất động sản ở New York, bao gồm một căn hộ 2 tầng ở Đại lộ Park, Manhattan và một ngôi nhà trong phố trị giá 40 triệu USD trả bằng tiền mặt.
4. Gia tộc Hermes
Tài sản: 111,6 tỷ USD
Công ty: Hermes (kinh doanh hàng xa xỉ)
Giám đốc điều hành Hermes Axel Dumas (Ảnh: SCMP).
Để thể hiện đẳng cấp, giới giàu có trên thế giới hiện nay có xu hướng chọn cho mình các sản phẩm như túi xách Birkin hay các sản phẩm phiên bản giới hạn của Hermes. Nhu cầu đó đã giúp gia tộc Hermes (Pháp) có được một khối tài sản khổng lồ.
Năm 1837, Thierry Hermes bắt đầu sản xuất đồ cưỡi ngựa cho các nhà quý tộc. Đến năm 1978, công ty phát triển một mạng lưới cửa hàng toàn cầu bán đồ da cao cấp và hiện nay, những người giàu có sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn để sở hữu các sản phẩm của Hermes. Nền tảng của Hermes là các sản phẩm thủ công tinh vi, có những sản phẩm phải mất vài tháng để hoàn thành.
Axel Dumas, thế hệ thứ 6 của đế chế hàng xa xỉ này, nắm quyền điều hành Hermes từ năm 2014. Hermes được coi là một trong những ví dụ thành công nhất về đế chế kinh doanh gia đình. Forbes ước tính ít nhất 5 thành viên của gia tộc này có tên trong danh sách tỷ phú toàn cầu.
5. Gia tộc Al Saud
Tài sản: 100 tỷ USD
Công ty: Đầu tư lĩnh vực công nghiệp
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman (Ảnh: Reuters).
Hoàng tộc Al Saud tạo ra khối tài sản khổng lồ nhờ dự trữ dầu mỏ mà họ nắm giữ. Chỉ riêng Thái tử Mohammed bin Salman, con trai của Quốc vương Salman, nắm quyền kiểm soát khối tài sản ước tính hơn 1 tỷ USD.
Theo báo Wall Street Journal, Thái tử Mohammed bin Salman từng chi 450 triệu USD để mua bức tranh nổi tiếng Salvator Mundi của danh họa Leonardo da Vinci. Trong khi đó, theo New York Times, vị thái tử này cũng chi 300 triệu USD để sở hữu một lâu đài ở Pháp, dành 500 triệu USD để mua một trong những du thuyền hạng sang bậc nhất thế giới.
6. Gia tộc Ambani
Tài sản: 93,7 tỷ USD
Công ty: Reliance Industries
Gia tộc Ambani đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau (Ảnh: Reuters).
Sự giàu có của gia tộc Ambani dựa vào công việc kinh doanh của tập đoàn Reliance Industries do ông Dhirubhai Ambani sáng lập. Sau khi ông qua đời vào năm 2002 nhưng không để lại di chúc, một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai người con trai Mukesh và Anil đã nổ ra. Về sau, họ thỏa thuận phân chia công việc kinh doanh, mỗi người lựa chọn một con đường riêng.
Kể từ đó, ông Mukesh và gia đình đã tạo nên một cơ đồ vượt sức tưởng tượng, trong khi Anil chìm ngập trong nợ nần. Các con của họ đều tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình thay vì trông chờ vào thừa kế.
Reliance Industries hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ năng lượng, bán lẻ đến truyền thông. Mới đây, gia tộc Ambani đã khởi công xây dựng một trong những vườn thú lớn nhất thế giới ở bang Gujarat. Vườn thú này dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2023, kèm theo một trung tâm cứu hộ nhằm giúp đỡ chính quyền địa phương. Nhà Ambani còn sở hữu đội cricket Mumbai Indians và mở giải bóng đá quốc nội tại Ấn Độ vào năm 2014.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!