3 loại tiền lương tăng từ ngày 1/7/2024

PV-Thứ năm, ngày 29/02/2024 17:37 GMT+7

Tăng lương cũng gây áp lực lên giá cả

VTV.vn - 3 loại tiền lương quan trọng gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu sẽ tăng từ ngày 1/7/2024.

3 loại tiền lương quan trọng gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu sẽ tăng từ ngày 1/7/2024, cụ thể như sau:

- Từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức bao nhiêu?

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, trong chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 – 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.

Với việc mở rộng quan hệ tiền lương này thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao (so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay).

Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Được biết với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn (so với con số 18 triệu đồng hiện nay).

Như vậy, từ ngày 1/7/2024 tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc...

3 loại tiền lương tăng từ ngày 1/7/2024 - Ảnh 1.

Thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024

- Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 1/7/2024

Bên cạnh việc cải cách tiền lương công chức thì tại nghị quyết cũng đề cập đến việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Với việc tăng lương hưu khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu 8%.

Hiện chưa có con số chính xác về mức tăng lương hưu từ ngày 01/7/2024, dự kiến Nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ vào tháng 5/2024.

- Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2024

Ngày 20/12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng là từ ngày 01/7/2024.

Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, thì tiền lương tối thiểu sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng thì mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.

(Hiện hành, tiền lương tối thiểu vùng dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng)

Đối với mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ ngày 1/7/2024. Cụ thể, vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025

Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.

Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước