1 phải 5 giảm - kỹ thuật canh tác lúa giúp giảm phát thải, giảm chi phí

Hữu Trí-Thứ tư, ngày 08/02/2023 12:02 GMT+7

VTV.vn - Kỹ thuật canh tác 1 phải, 5 giảm không chỉ giúp giảm phát thải từ việc trồng lúa, mà còn giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hướng tới bán tín chỉ carbon

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để lấy ý kiến về dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đề án này không chỉ nhằm hướng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, cải thiện đời sống của người trồng lúa, mà còn hướng đến một nền nông nghiệp xanh.

Cụ thể, 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, như sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…, nhìn xa hơn là hướng đến việc bán tín chỉ carbon từ cây lúa.

Theo dự thảo Đề án, kế hoạch từ nay đến năm 2030, ĐBSCL sẽ đạt 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân được nâng lên 40%; đồng thời, nhằm góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ, phải kéo giảm lượng lúa giống còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, giảm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, từ đó giảm phát thải khí nhà kính từ 20 - 40%.

1 phải 5 giảm - kỹ thuật canh tác lúa giúp giảm phát thải, giảm chi phí - Ảnh 1.

1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Sản xuất phải theo một quy trình thân thiện môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và giảm phát thải nhà kính. Giảm phát thải nhà kính vừa đáp ứng yêu cầu của nhà nước về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nó cũng lại đem lại tiền cho nông dân", PGS.TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đánh giá.

Theo chuyên gia nông nghiệp, trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông nghiệp, với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Nếu áp dụng tốt "1 phải 5 giảm" sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí phát thải.

"Nếu chúng ta áp dụng công nghệ 1 phải 5 giảm thì cứ trung bình 1 hecta, chúng ta sẽ giảm được 8 tấn CO2 tương đương trong một năm. Nếu mở rộng ra toàn ĐBSCL thì giảm khoảng 10 triệu tấn CO2 tương đương trong một năm. Con số này là khá lớn và đóng góp quan trọng vào việc mua bán khí carbon", ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết.

Một tín chỉ carbon tương đương với quyền phát thải 1 tấn CO2. Với mức giá khoảng 10 USD/tín chỉ, con số ĐBSCL có thể thu được trong một năm lên đến cả trăm triệu USD. Đây là câu chuyện không xa.

"Theo dự kiến của Ngân hàng Thế giới với Bộ NN&PTNT, khoảng đầu năm 2024 chúng ta có thể cấp chứng chỉ đầu tiên cho những nông dân tham gia VnSAT và hy vọng dòng tiền từ việc mua bán tín chỉ carbon sẽ đến với nông dân ĐBSCL từ năm 2024", ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới, cho biết thêm.

1 phải 5 giảm - kỹ thuật canh tác lúa giúp giảm phát thải

Như chuyên gia của WB vừa chia sẻ, dự kiến, từ năm sau những nông dân tham gia dự án VnSAT sẽ được cấp chứng chỉ carbon. VnSAT là dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Dự án này được triển khai tại Tây Nguyên và ĐBSCL, gồm 13 tỉnh, thành tham gia với 2 ngành hàng chủ lực là cà phê và lúa gạo.

Nông dân tham gia dự án VnSAT được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến, điển hình nhất là "1 phải, 5 giảm": Phải sử dụng giống lúa xác nhận; Giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Kỹ thuật canh tác này không chỉ giúp giảm phát thải từ việc trồng lúa, mà còn giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Bắt đầu thử nghiệm canh tác lúa theo mô hình 1 phải 5 giảm từ năm 2016 với chỉ 1.000 m2, đến nay, ông 5 Cư ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã mở rộng mô hình này ra 65 hecta cánh đầu mẫu lớn.

Chưa kể, còn liên kết với hơn 30 thành viên khác trong hợp tác xã, nâng diện tích lúa 1 phải 5 giảm lên con số 200 hecta.

Hơn 32.000 nông dân tại TP Cần Thơ cũng đang áp dụng kỹ thuật "1 phải, 5 giảm", trên khoảng 140 cánh đồng mẫu lớn, với 38.000 hecta.

Tiết giảm chi phí từ 30 - 40%, lại an tâm khi được bao tiêu đầu ra… là những lý do khiến bà con mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác và gắn bó với mô hình này.

"Bà con sẽ được liên kết bao tiêu với tỷ lệ 40% diện tích, với giá thường cao hơn ngoài mô hình từ 50 - 150 đồng/kg lúa", bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết.

"Đây là biện pháp kỹ thuật hiện hành tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Kể cả khi chúng ta hướng tới nông nghiệp số, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp giảm phát thải thì vẫn dựa trên nền tảng của 1 phải 5 giảm", ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định.

Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải như 1 phải 5 giảm sẽ giúp tăng năng suất lên 5% và tăng 28,6% lợi nhuận ròng cho bà con nông dân trồng lúa.

Dự kiến 2028, Việt Nam sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức Dự kiến 2028, Việt Nam sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức

VTV.vn - Đến năm 2028, Việt Nam dự kiến sẽ chính thức tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước