Loạt phóng sự về khai thác vàng trái phép tại Quảng Nam của phóng viên Đỗ Vinh trên VTV8 và VTV1 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả
Đào vàng trái phép; phá rừng bừa bãi; bán nhà công sản, bán đất dự án gây thất thoát; xâm hại di tích, lãng quên đầu tư cho văn hóa; sản xuất thức ăn mốc cho gia súc… - những vấn đề tiêu cực nhiều người e ngại không dám đụng lại là đề tài quen thuộc của PV Đỗ Vinh thuộc Trung tâm THVN tại Đà Nẵng.
Phóng viên văn nghệ làm thời sự
* Nếu xem các phóng sự điểm nóng của anh trong các bản tin, không ai nghĩ trước đây anh lại là một phóng viên mảng văn nghệ?
- Năm 2002, nhận bằng tốt nghiệp Đại học, tôi lại may mắn được lãnh đạo TP Đà Nẵng tuyển dụng về một đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin. Công việc na ná giống như một phóng viên. Nhưng 3 năm ngồi bàn giấy, chân tôi liên tục "động đậy" muốn ra đi. Năm 2005, Đài THVN tuyển phóng viên cho Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thêm một lần nữa, tôi may mắn lại trúng tuyển. Nhưng với "lí lịch" có 3 năm công tác trong ngành văn hóa, tôi được lãnh đạo Đài phân công về làm phóng viên Văn nghệ - phòng Văn nghệ. Công việc là sản xuất các chương trình giải trí, phim tài liệu nghệ thuật; biên tập các chương trình lễ hội, sân chơi… 9 năm làm phóng viên Văn nghệ, tôi đã làm hàng chục phim tài liệu nghệ thuật, phim ca nhạc ở một địa bàn rộng lớn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Và đây là những năm tháng giúp tôi học tập và tích trữ nguồn cảm xúc để sống và làm nghề cho sau này.
Nhưng rồi tôi tự đặt câu hỏi: tại sao mình không là cộng tác viên cho thời sự? Và trong những chuyến đi làm phim văn nghệ, tôi dành một khoảng thời gian khiêm tốn để sản xuất các phóng sự thời sự. Mỗi khi phóng sự lên sóng thời sự, tôi vô cùng hạnh phúc. Với nguyện vọng chuyển về làm thời sự, đầu năm 2014, Lãnh đạo Đài đã quyết định cho tôi thử sức ở lĩnh vực thời sự - chính luận. Tôi gia nhập vào đội quân "đánh nhanh, thắng nhanh" thời sự và sớm thích ứng với môi trường này.
Phóng viên Đỗ Vinh đi sâu vào các hầm khai thác vàng trái phép tại Quảng Nam để tìm hiểu những câu chuyện đằng sau "giấc mơ vàng".
* Điều gì khiến anh luôn chấp nhận xông vào mảng tối của xã hội không một chút do dự, ngần ngại?
- Đến thời điểm này, tôi có 3 năm rưỡi làm phóng viên thời sự. Những trải nghiệm ở lĩnh vực văn nghệ đã giúp tôi cân bằng ở lĩnh vực chính luận. Những vùng đất tôi đi qua, những đề tài tôi thực hiện khó kể hết. Có lúc chúng tôi vào tận hiểm nguy như những hầm vàng trái phép ở tận rừng sâu. Ăn ngủ trong rừng cùng người đồng bào dân tộc để ghi hình lâm tặc phá rừng. Và rồi, không dưới 20 người gồm; cán bộ kiểm lâm, nhân viên quản lí rừng và cả người phá rừng phải ngồi tù trong một vụ phá rừng. Có người hỏi tôi rằng, làm toàn phóng sự nóng, đụng chạm đến nhiều người, tôi có sợ không? Tôi có thể khẳng định là là không. Đơn giản chỉ vì mình làm đúng bản chất sự việc và đạo đức và trách nhiệm của một nhà báo. Nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào, những kịch bản ứng phó với nguy hiểm cũng được đặt ra nhưng chắc chắn rằng, chúng tôi không lùi bước khi đã dấn thân vào nghề. Kèm với những tin nhắn đe dọa là cả những lời mời mọc đầy cám dỗ của đồng tiền. Và cả hai đều nguy hiểm như nhau, nếu không tránh được, chắc chắn phải trả giá.
Mẹ tôi rất sợ khi thấy con trên tivi
* Nghề báo là nghề nguy hiểm. Gia đình có lo lắng, sốt ruột mỗi khi anh đi vào điểm nóng?
- Mẹ tôi rất sợ khi thấy con trên tivi. Đó là một thực tế. Mỗi khi có tin bão lũ về, vậy là tôi xách ba lô lên đường cùng đồng nghiệp. Nhiều lúc ra đi nhưng trĩu nặng nỗi lo. Nếu bão lớn ập đến, ngôi nhà cấp 4 của mình có trụ được không? Nếu mái tôn bị bay mất, vợ con mình sẽ ra sao? Trong khi hàng xóm chằng chống nhà cửa thì chúng tôi lại đi vào tâm bão. Mỗi khi xem con mình trên truyền hình, mẹ tôi nín lặng vì sợ. Bà tự hào về con bao nhiêu, lo sợ cho con bấy nhiêu.
Nhiều lần thực hiện đề tài "nóng", phóng viên Đỗ Vinh và đồng nghiệp không ít lần đối mặt những nguy hiểm.
* Chắc hẳn phản hồi từ khán giả mà anh nhận được khi các phóng sự của mình lên sóng cũng là một động lực khiến anh say mê công việc?
- Tôi nghĩ rằng, nhận được huy chương hay bình chọn phóng sự xuất sắc là niềm vui nhưng vui hơn, phần thưởng lớn hơn vẫn là hiệu ứng mà những tin bài mang lại. Ví như vợ chồng một nông dân trẻ ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình báo tin, 300 con vịt (tài sản lớn nhất) của anh ngộ độc chết do ăn thức ăn mốc. Khi được phản ánh trên VTV, nhà sản xuất đã đền anh 30 triệu đồng và hủy toàn bộ lô hàng… Khi anh cầm tiền đề bù trên tay mà anh cứ nghĩ là vợ chồng anh đang mơ. Năm 2016, tôi được xem là người đi đòi nợ thuê hợp pháp cho tỉnh Quảng Nam (dù chính quyền không ủng hộ). Nhờ loạt phóng sự 2 công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn nợ thuế kéo dài nhưng vẫn khai thác vàng trái phép mà công ty vàng Phước Sơn đã chấp nhận nộp hơn 334 tỉ đồng tiền nợ thuế cho tỉnh Quảng Nam.
Và mới đây, tôi rất hạnh phúc khi thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư hơn 150 tỉ đồng để giải tỏa 75 hộ dân làm nhà trên thành Điện Hải sau loạt phóng sự "giải cứu thành Điện Hải". Cùng với đó, chính quyền Đà Nẵng quyết định hủy dự án xây dựng kho lưu trữ phía Bắc Thành (dù sắp đến ngày khởi công) để trùng tu, phục dựng di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia. Đặc biệt bởi đây là ngôi thành gắn liền với cuộc chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha 1858 của quân đội triều đình nhà Nguyễn và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Đánh động việc xâm hại di tích, lãng quên đầu tư cho văn hóa như thành Điện Hải (Nằm sát Trung tâm hành chính Đà Nẵng) được xem là thành công. Bởi từ đây, Đà Nẵng đã thay đổi nhận thức về đầu tư cho văn hóa. Còn những ngày này, chúng tôi tiếp tục điều tra những sai phạm trong việc bán nhà công sản, bán đất dự án gây thất thoát hơn 3400 tỉ đồng nhưng không xử lí truy thu theo kết luận của Thanh tra chính phủ. Loạt phóng sự đang nhận được sự phản ứng tích cực của cơ quan chức năng và sự ủng hộ của người dân Đà Nẵng.
* Còn điều gì khiến anh trăn trở và muốn làm nhiều hơn nữa?
- Là một phóng viên Thời sự, không chỉ có mặt ở những điểm nóng như thiên tai, bão lũ, tôi còn may mắn được có mặt ở những vùng biển xa khơi của tổ quốc. Nơi ấy, những người lính đang bảo vệ chủ quyền biển đảo; nơi mà những ngư dân đang đối mặt với rủi ro do nhân tai gây ra. Hãy tưởng tượng xem, những ngư dân bị tàu nước ngoài đâm chìm, họ được cứu sống chỉ còn chiếc quần đùi. Tài sản cả chục tỉ đồng nằm lại ở Biển Đông. Không thể không đau lòng khi thấy nhiều con tàu cá vỏ gỗ trở về từ ngư trường Hoàng Sa mang đầy thương tích vì tàu nước ngoài cố tình đâm chìm. Nói thế để thấy rằng, những việc mà nhà báo như chúng tôi làm được còn quá ít so với những ngư dân ở biển khơi hay như bà con đồng bào dân tộc thiếu số bảo vệ rừng trước lưỡi cưa của lâm tặc. Nhiều người đang tin tưởng, kì vọng và chờ đợi những người làm báo chúng ta vào cuộc.