Học giả thế giới lo ngại về tình hình Biển Đông

Thời sự VTV-Thứ hai, ngày 26/05/2014 22:55 GMT+7

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ở khu vực gần giàn khoan trái phép ở Hoàng Sa. (Ảnh: AP)

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của các học giả thế giới.

Các ý kiến đều khẳng định, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động nguy hiểm, gây căng thẳng trong khu vực đồng thời cho rằng cần phải giải quyết những căng thẳng này thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tiến sỹ Dmitri Mosyakov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: "Tôi đánh giá tình hình đang xảy ra ở Biển Đông là rất nguy hiểm. Đây là sự khiêu khích từ phía Trung Quốc vì rõ ràng khu vực này thuộc Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình hình hiện nay đang diễn ra rất nhanh và căng thẳng. Các nhà khoa học rất đồng tình về nguyên tắc của Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam trong xử lí vấn đề hiện nay. Nguyên tắc này là sự kết hợp của hai quan điểm, một mặt khẳng định chủ quyền của Việt Nam và chỉ ra việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền, mặt khác là Trung Quốc cần chấm dứt hoạt động của giàn khoan Hải dương, chuyển từ xung đột sang một cơ chế đối thoại, không để căng thẳng trở thành một cuộc chiến. Điều này rất quan trọng và thực tế, cho thấy chính sách sáng suốt và công bằng và kiên quyết của Việt Nam.”

Tiến sỹ Victor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Nga nói: "Chúng tôi thường xuyên khẳng định quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông, ví dụ như trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin tháng 11 năm ngoái, rằng chúng tôi ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, tuân thủ công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Tôi tin rằng nước Nga không đứng bên lề sự kiện này, mà nước Nga rất quan tâm theo dõi tình hình đang xảy ra ở Biển Đông vì điều này không chỉ gây bất ổn đến khu vực Đông Nam Á mà cả châu Á nói chung. Do đó, cần phải tìm một cách thức nào đó để giải quyết tình hình phức tạp hiện nay".

Ông Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Ðông Nam Á, Trung tâm Stimson chia sẻ: “Tôi cho rằng đến nay thì Việt Nam đã làm tất cả những gì mà các bạn cần phải làm. Việt Nam cần phải tận dụng mọi kênh đối ngoại để vận động sự ủng hộ của quốc tế để tạo ra một thông điệp chung là những hành động của Trung Quốc vừa qua không chỉ là hành vi cưỡng bức, quấy rối các nước láng giềng mà còn là hành vi vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước