VTV mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT)

Trung Khánh-Thứ năm, ngày 12/09/2013 15:12 GMT+7

 Nhằm đáp ứng tốt hơn về mặt chất lượng hình ảnh, âm thanh và tín hiệu, VTV đã triển khai mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất. Đây cũng là công nghệ nền tảng cho việc phát sóng HD mà VTV đang thực hiện.

Truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTT) là công nghệ chuyển đổi truyền hình mặt đất từ analog (tương tự) sang digital (kỹ thuật số). Ưu điểm của phương thức này là hình ảnh sắc nét, có chiều sâu, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng nhiễu và bóng ma (ghost free) vốn là nhược điểm của truyền hình analog thông thường, loại bỏ tác hại của các tia sóng phản xạ, không bị ảnh hưởng nhiễu phát ra do máy vi tính, mô tơ điện, sấm sét...

Truyền hình kỹ thuật số mặt đất có khả năng thu cố định hoặc xách tay, thu di động trên các phương tiện giao thông công cộng như ô tô, tàu hoả, tàu thủy… Để sử dụng công nghệ này, người dùng cần có ăng ten thu sóng và đầu thu kỹ thuật số (Set-top-box) để giải mã, chuyển đổi tín hiệu.

Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Đài THVN đã từng bước thực hiện đề án, bắt đầu phát sóng số DVB-T2 từ cuối tháng 7/2012. Hiện tại, ngoài 166 máy phát tương tự, đặt tại khoảng 50 địa điểm khác nhau trên toàn quốc, VTV đã phủ sóng truyền hình số mặt đất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

‘ Thực hiện Đề án số hóa, VTV đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ (Ảnh: VTV News)

Trong dịp 7/9 vừa qua, nhân kỷ niệm 43 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên, Đài THVN đã chính thức phủ sóng DVB-T2 tại Đà Nẵng, cùng với kênh khu vực VTV Đà Nẵng, Dự kiến đầu năm 2014, Đài THVN sẽ phát tiếp tại Hải Phòng, Cần Thơ để hoàn thành kế hoạch triển khai số hóa nhóm I tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau đó, VTV sẽ triển khai đến đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ... để tiến tới số hóa toàn quốc vào năm 2020.

Để thực hiện Đề án, chi phí mà Đài THVN đầu tư là không hề nhỏ khi phải duy trì tối thiểu 18 tháng phát song song trên cả hai hệ thống, cùng với việc đầu tư máy số mới, đầu tư các bộ nén ghép kênh để chuyển đổi tín hiệu truyền hình từ tương tự sang số… Tuy nhiên, trên hết, để phục vụ khán giả cả nước, VTV quyết tâm thực hiện đề án bởi lợi ích mà DTT mang lại là rất rõ ràng.

“Ngoài lợi ích tiết kiệm chi phí phát sóng khi một thiết bị DTT có thể phát sóng nhiều chương trình thay vì chỉ phát 1 chương trình như thiết bị analog cũ, một phần tài nguyên tần số đồng thời được giải phóng để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

Với khán giả của Đài THVN, DTT cho phép mở rộng vùng phủ sóng để giúp nhiều hơn khán giả ở các vùng miền trên cả nước có điều kiện theo dõi các chương trình VTV, nâng cao chất lượng cho người xem và đặc biệt là có thể truyền tải HD độ nét cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, cũng như mang đến cho khán giả nhiều dịch vụ gia tăng trên sóng truyền hình như: lịch chương trình điện tử, các bản tin, chương trình truyền hình tương tác”, ông Trần Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn phát sóng cho biết.

‘ Tổng Giám đốc Trần Bình Minh (áo tím) có mặt tại trường quay S10 để chứng kiến sự kiện phát sóng kênh VTV6 HD (Ảnh: Đức Huỳnh)

Trên nền tảng kĩ thuật số mặt đất đang triển khai, sau khi VTV3 HD chính thức lên sóng, ngày 6/9 vừa qua, VTV6 HD cũng đã ra mắt với chương trình đầu tiên là “Thư viện cuộc sống” trước sự chứng kiến của Tổng Giám đốc Trần Bình Minh và các lãnh đạo Đài và đại diện các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, dự kiến, VTV1 sẽ là kênh sóng tiếp theo phát sóng HD phục vụ khán giả cả nước.

Với mong muốn mang đến cho đông đảo khán giả những chương trình chất lượng, những khuôn hình đẹp nhất, các đơn vị của VTV đã đảm bảo nhiệm vụ thực hiện theo đúng tiến độ, góp phần quan trọng trong tiến trình chuyển đổi công nghệ của Đài THVN.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước