Chúng tôi có mặt tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình vào một ngày cuối tháng 2, thời điểm tốt nhất để thám hiểm hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng (VQGPNKB).
Chuyến đi được tổ chức bởi ông Howard Limbert - Hội Hang động Hoàng Gia Anh, người đã có kinh nghiệm hơn 22 năm thám hiểm hang động tại Việt Nam, cùng các chuyên gia của khoa Địa lý, đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội.
Cả đoàn đi ô tô theo đường mòn đến cửa rừng và bắt đầu chuyến hành trình đi bộ xuyên rừng trong sương mù dày đặc và bùn nhão trơn trượt. Chiếc máy quay DVCAM là tài sản quan trọng nhất nên luôn được bảo quản cẩn thận! Hết con dốc đầu tiên, chúng tôi tiếp tục men theo suối để đi đến hang.
Chính những dòng suối này chảy suốt cả triệu năm đã tạo nên hệ thống hang động hùng vĩ nơi đây. Chúng tôi nghỉ chân tại bản Đoòng, một bản nhỏ của người dân tộc Vân Kiều nằm giữa rừng già của VQGPNKB. Năm 2010, cả khu vực này lũ về và lụt ngập băng rừng như hồ thủy điện do địa hình dốc và hệ thống thủy văn bí ẩn.
Sau gần 6 tiếng đi rừng, chúng tôi bắt đầu cắm trại tại điểm dừng chân đầu tiên: Hang Én. Lấy cây khô cắm cột lên làm võng, kiếm củi đốt lửa nấu cơm, đêm đó chúng tôi ngủ ngay tại cửa hang Én trước khi đến đích là hang Sơn Đoòng.
‘ Đoàn hạ trại trong hang
Bữa cơm giản đơn ngay trong hang với thịt rang, canh bí. Ông bà Howard và Deb đã quá quen với khẩu vị của người Việt Nam trong suốt 22 năm qua nên họ cũng cùng dùng bữa với chúng tôi. Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi rừng, leo lên những đoạn dốc rất cao và hiểm trở. Ở những đoạn khó, ông Howard cho người buộc dây để cho những người thám hiểm không chuyên như chúng tôi có thể leo lên dễ dàng.
Cuối cùng sau nhiều nỗ lực chúng tôi cũng đến được cửa hang Sơn Đoòng. Gió lạnh buốt thổi rất mạnh kèm theo tiếng gầm rú như tiếng thác vọng ra, dấu hiệu của một hang rất lớn. Ngay cả những người đi rừng địa phương cũng cảm thấy rợn người, không dám đi vào trong nơi “rừng thiêng nước độc” này trong suốt nhiều năm.
Chúng tôi tranh thủ tác nghiệp tại cửa hang Sơn Đoòng để kịp đuổi theo cả đoàn thám hiểm đã bắt đầu đu dây xuống hang! Sau đoạn đu dây 80m từ cửa hang, chúng tôi phải băng qua con sông chảy xiết trong hang. Nước rất lạnh, ngập ngang bụng, sẵn sàng cuốn phăng chúng tôi đi nếu không có đoạn dây bảo hiểm. Vào mùa mưa, nước dâng lên đến ngập cả trần hang cao khoảng 100m, không bao giờ có hi vọng có thể đi vào thám hiểm! Bản thân đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh cũng đã suýt mất 2 người vì lũ quét trong hang vào năm 2007.
‘ Vẻ đẹp Vườn địa đàng của Sơn Đoòng
Hang Sơn Đoòng có trần cao trung bình 150m, bề ngang trung bình 200m và sâu gần 8km, lớn gấp đôi hang Deer của Malaysia được công nhận là lớn nhất thế giới trước đó. Có những nơi trần hang vươn tới 250m và nở rộng ra 400m khiến cho đèn pha công suất lớn nhất cũng không thể chiếu sáng tới được.
Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để ghi hình trong điều kiện tối tăm như vậy, chỉ chờ đến những giếng trời mới có đủ ánh sáng. Giếng trời là những nơi trần hang yếu, sụt xuống tạo thành một khoảng không khổng lồ cho ánh sáng chiếu vào. Hang Sơn Đoòng có tất cả 2 giếng trời như vậy.
Nhiều người gọi vui đây chính là Pandora của Trái đất (phỏng theo phim Avatar của James Cameron) vì sự hoang sơ diệu kì của nó. Đây là giếng trời thứ hai, được đặt tên là Vườn Địa đàng (Garden of Edam).
Tại đây các cây gỗ vươn cao 60m thẳng đứng để đón ánh sáng và có vẻ như lá không rụng vào mùa đông. Theo lời ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc VQGPNKB đi cùng chúng tôi thì “Đây là không gian rất đặc biệt, chắc chắn không đâu có khu rừng nằm trong hang rộng lớn như này, đa dạng sinh học, động vật cũng đặc thù, như có những con bọ cạp không mắt trong suốt…”
Ngày hôm sau cả đoàn theo đường cũ đi ra, ai cũng thấm mệt sau hơn 2 ngày leo trèo liên tục trên tổng cộng quãng đường 25km. Có điều đáng tiếc là chúng tôi đã không thể đi hết được đến đầu kia của hang do có một hồ nước lớn sâu 20m đang “án ngự” trước bức tường đá vôi cao 80m ở đáy hang.
Theo như số liệu thống kê, cho đến thời điểm này, các đoàn thám hiểm mới khám phá được 10% số lượng hang động tại khu vực cao nguyên đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng có tuổi đời “ngót nghét” 400 triệu năm này. Và nhiều khả năng sẽ tìm được hang còn lớn hơn và đẹp hơn hang Sơn Đoòng trong tương lai!
Phóng sự về Sơn Đoòng đã được đăng tải trên chương trình World Stories của Đài truyền hình Đức DW vào ngày 8/6/2012.
Còn rất nhiều điều bí ẩn về địa tầng địa mạo, hệ thống thủy văn, động thực vật nơi đây cần được khám phá. Chúng tôi tạm biệt VQGPNKB với lời hứa sẽ quay trở lại để làm chương trình quy mô hơn xứng tầm với di sản vô giá của thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam.