Làm thế nào để vừa đảm bảo an toàn giữa dịch bệnh, vừa sản xuất chương trình, đưa được nhiều thông tin cập nhật, hữu ích tới khán giả?
Ngay từ những đợt dịch đầu của năm 2020, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam bộ - VTV9 đã xác định mức độ rất quan trọng của công tác phòng chống dịch. Vì thế, VTV9 đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đề ra các kịch bản phòng chống dịch, tùy theo diễn biến của dịch sẽ lựa chọn áp dụng kịch bản nào cho phù hợp.
Từ tháng 5/2021, khi COVID-19 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh, bộ phận sản xuất chương trình (tin, bài) được tách riêng ra, để trụ sở số 7 Nguyễn Thị Minh Khai làm công tác phát sóng và các hoạt động khác. Ở mỗi bộ phận (sản xuất hay phát sóng) đều chia nhân sự ra các kíp và sẵn sàng có lực lượng dự phòng thay thế khi có tình huống xảy ra.
Ở bộ phận sản xuất, các phóng viên phải chấp hành nghiêm các quy định về bảo hộ, phòng dịch, đặc biệt là khi tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ cao.Trước khi đi quay, phóng viên phải lên phương án tác nghiệp, ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn cho đội ngũ trực tiếp sản xuất.
"Cùng với đó, các phóng viên tổ chức thay thế ghi hình trực tiếp bằng ghi hình trực tuyến, phỏng vấn qua điện thoại hoặc hướng dẫn người ở trong khu vực bị phong toả ghi hình gửi zalo, email để chúng tôi sử dụng. Vì thế chúng tôi vẫn có được các tin tức nóng, đa dạng" - nhà báo Đặng Quang chia sẻ.
Theo anh, công tác phòng chống dịch ở VTV9 luôn đảm bảo các tiêu chí "an toàn, chủ động, không chủ quan". An toàn để sản xuất, an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân phóng viên, đồng nghiệp, từ đó an toàn cho hoạt động phát sóng, góp phần an toàn cho gia đình và cộng đồng. Chủ động lên các kịch bản phòng chống dịch, và linh hoạt áp dụng theo hoàn cảnh, diễn biến của dịch bệnh. Không chủ quan là luôn tuân thủ chặt chẽ mọi quy định về phòng chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!