Áp lực ư, tin vui thì đúng hơn
PV: Như vậy là VTV6 đã có ngôi nhà mới tại TPHCM từ tháng 4/2013. Tình hình hoạt động của ngôi nhà mới đến thời điểm này đã đi vào nề nếp chưa, thưa chị?
Nhà báo Diễm Quỳnh: Công việc của nhóm thường trú rất đa dạng, vừa phục vụ làm tin tức phóng sự chuyển ra Hà Nội, vừa là một nguồn nhân sự của VTV6 để tham gia các dự án tại TPHCM. Việc làm tin, phóng sự thâm nhập cuộc sống, liên hệ với môi trường học sinh, sinh viên và giới trẻ trong đấy là công việc chính.
Ngoài các sản phẩm lên sóng, họ còn phải hỗ trợ cho ban để tạo những mạng lưới cộng tác viên, thăm dò thị trường rồi kết nối với các dự án. BTV Hoa Thanh Tùng là người được phân công phụ trách nhóm phóng viên và quay phim tại đây, anh phải kết nối với rất nhiều đối tác để triển khai các dự án xã hội hóa ở TPHCM. Tháng 11, VTV6 sẽ có một nhóm phóng viên, quay phim vào TPHCM để hợp tác sản xuất chương trình Người giấu mặt.
‘ VTV6 đã chính thức phát sóng HD |
* Tháng 9 kỉ niệm một dấu mốc đáng nhớ - VTV6 chính thức phát sóng HD. Ban Thanh thiếu niên đã có sự chuẩn bị kĩ càng như thế nào trước sự kiện này?
- Trước thông tin VTV6 chuẩn bị phát sóng HD, chúng tôi đã được lãnh đạo Đài cho một lộ trình rất cụ thể. Từ tháng 4, VTV6 đã phát theo khuôn hình 16:9. Vậy nên việc đầu tiên là toàn bộ êkíp sản xuất chương trình: quay phim, đạo diễn, biên tập… đã phải làm quen với việc chuyển từ khuôn hình 4:3 sang 16:9, làm quen với các thiết bị mới, cách dựng hình ảnh mới…
Chúng tôi được đầu tư rất nhiều thiết bị HD như máy quay HD, trường quay HD giúp mọi người dần quen với một mô hình sản xuất mà chất lượng hình ảnh, kĩ thuật HD là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, đến bây giờ, có thể nói là khi mở kênh HD mới ra, những chương trình đang phát ở VTV6 thường chuyển sang phát ở VTV6 HD chỉ cần có đúng định dạng HD là nội dung của nó đã đảm bảo cả về hình thức lẫn màu sắc, âm thanh…
Phát HD không có nghĩa là chương trình sẽ tự động hay lên. Việc chuẩn bị nội dung nằm trong lộ trình mở rộng nội dung của kênh VTV6 được phát 24h. VTV6 đã chuyển sang phát 24h được một năm. Khối lượng khung chương trình sẽ giãn ra. Bên cạnh việc Đài đầu tư rất nhiều mảng xã hội hóa vào VTV6, tăng thời lượng phim và các chương trình hợp tác sản xuất thì Ban Thanh thiếu niên cũng tăng thời lượng sản xuất của mình lên. Chúng tôi có những dự án để đón chờ ngày kỉ niệm này như Siêu thủ lĩnh, Tuổi 20 hát, Ngược chiều hay Cầu vồng… Do vậy, cả VTV6 và VTV6 HD đều có những chương trình mới để xem.
* Liên tiếp những dự án mới liên quan đến VTV6 diễn ra trong năm 2013 có khiến những người thực hiện trong ban gặp áp lực không, thưa chị?
- VTV6 là một kênh mới cho nên việc liên tục có các dự án mới là việc chúng tôi đã dần quen. VTV6 không có sự ổn định của việc năm nay sản xuất cái này và sang năm sẽ tiếp tục làm y như cũ mà thường các có các gói dự án phát hết trong một năm là chúng tôi lại đổi sang những cái mới. Vậy nên nhiều khi cảm giác đây là áp lực hay đây là tin vui thì chúng tôi nghiêng về phía tin vui. Chúng ta đã làm xong một thứ và bây giờ chúng ta làm thứ mới.
‘ Tuổi 20 hát giúp các bạn sinh viên được sống lại với các ca khúc của thế hệ đi trước |
Sẽ không có cuộc chiến giữa “trứng” và “đá”
* Ban thanh thiếu niên đã khai thác nhiều format Việt được đánh giá cao. Cách khai thác thông tin và thể hiện trong các chương trình cũng luôn được tìm tòi để đạt đến sự mới lạ. Rõ ràng, cái mới bao giờ cũng đi đôi với sự thu hút nhưng cũng có thể tạo hiệu ứng ngược lại. Tại sao VTV6 lại có những bước đi táo bạo như vậy mà không chọn giải pháp an toàn hơn?
- Mua và phát các chương trình khai thác cũng là một cách làm rất tiết kiệm vì không phải sản xuất và không phải chi nhiều tiền cho nó, chỉ cần mua bản quyền, làm các phí về khai thác… nhưng nó sẽ không thành một kênh riêng. Một kênh truyền hình buộc phải có chương trình đặc thù của mình. VTV1 đặc thù là chính luận, VTV2 là khoa giáo, VTV3 là giải trí. VTV6 lại được đặt là kênh truyền hình trẻ nên nó sẽ không đi theo con đường chính luận, giải trí hay khoa giáo mà đi theo một phân khúc khán giả. Với phân khúc ấy, khán giả cần mảng chính luận, mảng giải trí cho người trẻ và cả một chút khoa giáo nữa.
Qua 5 năm mua rất nhiều bản quyền các chương trình của nước ngoài để phát khai thác, chúng tôi thấy muôn đời không đủ, hơn nữa, đầu tư những dải giờ cũng rất tốn kém. Với việc sản xuất chương trình của riêng mình, chúng tôi có thể đưa những nội dung mang hơi thở của người trẻ Việt vào, đưa những gương mặt người trẻ Việt lên sóng. Đó cũng là nhiệm vụ của kênh. Nếu chúng ta cứ mải miết đi mua, mải miết xã hội hóa thì sẽ có lúc nào đấy VTV6 muốn nói về người trẻ, muốn tạo cơ hội cho người trẻ lại không làm được.
VTV6 cho phép các BTV được thỏa sức sáng tạo trong khi xây dựng format. Thời kì đầu, rất nhiều format cũng hơi lạ lẫm, trẻ và có thể nói hơi… điên rồ một chút. Qua thời gian, chúng tôi phát hiện phải tìm một con đường trung gian để xác định liều lượng giữa sự trẻ trung, đột phá và sự cân bằng của một kênh truyền hình chính thống. Tất nhiên nó rất khó. Trẻ hẳn thì bạn sẽ thấy chưa đủ hoang dại, còn những người lớn tuổi xem thì lại thấy “Ồ, sao mà nó mới lạ thế này”… Nói chung, để đi được trên cái dây đấy cần sự cân bằng, đôi khi hai bên đều phải thiệt đi một chút thì mới không ngã xuống (cười).
* Cùng với bước tiến về công nghệ HD, một loạt chương trình format Việt và ngoại mới sẽ đổ bộ trên VTV6 từ tháng 9. Những chương trình nào được coi là “át chủ bài” trong chiến lược lần này, thưa chị?
- Nhìn lượng chương trình được tung ra từ tháng 9, có thể thấy các chương trình xã hội hóa khá nhiều. 5 chương trình game trong một tuần, chưa kể đến dự án 65 ngày Người giấu mặt đầy thách thức. Ngày nào cũng có một tiếng đồng hồ truyền hình thực tế Người giấu mặt, người xem sẽ còn chờ gì ở VTV6? Chúng tôi nghĩ là trong 6 năm qua, những chương trình mang đậm dấu ấn của VTV6 vẫn chính là những cuộc thi tài năng dành cho những người trẻ. Bạn có thể biện luận, cuộc thi thì thiếu gì, có Cặp đôi hoàn hảo, có Bước nhảy hoàn vũ rồi Thử thách cùng bước nhảy, Giọng hát Việt… Nhưng cuộc thi ở VTV6 mang tính trải nghiệm và thực hành kĩ năng nhiều hơn.
VTV6 có các cuộc thi mà tôi nghĩ có thể tự hào như Cầu vồng tuyển MC, đào tạo diễn viên, rồi Vũ điệu xanh. Gần đây nhất là Tuổi 20 hát giúp các bạn sinh viên được sống lại với các ca khúc của thế hệ đi trước bằng một cách làm không nhàm chán, phù hợp tính cách, hơi thở cuộc sống của các bạn. Bên cạnh đó, Siêu thủ lĩnh là chương trình mà các đơn vị xã hội hóa sẽ không bao giờ làm bởi nó tôn vinh những người trẻ làm công tác cộng đồng. Đó là những điểm có thể làm được tốt thì chúng tôi sẽ đầu tư cho nó.
‘ Người giấu mặt đã tiến hành vòng sơ tuyển người chơi (Ảnh: BHD) |
* Nói một chút về Người giấu mặt – phiên bản Việt của Big Brother. Big Brother được coi là cha đẻ của tất cả các loại truyền hình thực tế. Tại sao VTV6 lại chọn một chương trình “cổ lổ sĩ” như vậy?
- Big Brother là chương trình thủy tổ và mọi người nghĩ rằng có những đứa con ra đời phiên bản sau giản tiện, kinh tế hơn về sản xuất và hiệu quả hơn. Big Brother như là một cái ngưỡng. Nếu sản xuất và phát Big Brother tại Việt Nam thì coi như công nghệ sản xuất truyền hình thực tế của mình đã đi được ở mức nền tảng. Đây là một chương trình xâm nhập 24/24h, các camera sẽ làm việc liên tục trong một căn nhà. Rất nhiều việc đã xảy ra và êkíp chương trình phải chạy đua với tất cả diễn tiến trong đó.
Độ hấp dẫn của nó nằm ở việc là mọi người sẽ được xem những con người ở trong đó sống như thế nào, vừa hòa nhập, vừa cạnh tranh để bản thân không bị loại. Nó không chứa đựng nhiều yếu tố hên xui như thi hát, nhảy múa nhưng cũng rất hấp dẫn. Êkíp đạo diễn và quay phim của chương trình phải làm việc như sản xuất những bộ phim, trong đó cuộc đời của những con người “trộn” với nhau tạo thành những chuỗi câu chuyện, chuỗi oán hận yêu thương, mâu thuẫn, giảng hòa… rất thú vị. Chỉ có điều là nó rất áp lực, bởi vì tần suất lên sóng theo công thức của kịch bản gốc rất sát. Cứ đến 18h hàng ngày, nhóm sản xuất phải đưa ra một tập thời lượng 60 phút để xem trong ngôi nhà đó có việc gì.
* Đã từng có so sánh về cuộc chiến giữa format Việt và ngoại như “trứng chọi đá”. Chị thì nghĩ sao về cuộc chiến này trên kênh VTV6?
- Format Việt và ngoại phát trên VTV6 khác nhiều về thể loại nên tôi nghĩ không lo lắm. Ngay từ khi xác định khung giờ tối của VTV6 là một dải gameshow xã hội hóa thì cũng đồng thời ngầm hiểu Ban Thanh thiếu niên sẽ không phát triển các dải game tương tự nữa. Vì game nội hóa làm cùng game nhập ngoại có thể có sự na ná tương đồng, mọi người lại so sánh hay dở. VTV6 sẽ phát triển các chương trình talkshow và studio giải trí như các chương trình ca nhạc, Chuyên cơ, Xưởng thời trang… Đó cũng là cách cho mọi người thấy rằng các sản phẩm có màu sắc riêng.
‘ Là “sếp” của những người trẻ nên phong cách của Diễm Quỳnh cũng rất “xì tin” |
Cần những chông gai để vượt
* Không nói đâu xa, ngay trên sóng VTV đã có Yan TV - một kênh truyền hình dành cho giới trẻ được khán giả rất yêu thích. Cá nhân chị thấy ở họ có điểm gì hay?
- Yan TV là một đối tác lâu năm của VTV6, kể từ những năm đầu tiên VTV6 mở kênh, các bạn bên Yan TV đã rất quan tâm. Thậm chí, có những chương trình của Yan TV đã phát trên VTV6 và ngược lại, VTV6 cũng hợp tác với họ trong MTV Exit rồi Tôi dám hát… Bản thân các BTV bên ấy cũng có một số gương mặt từ VTV6 đi ra. Yan TV cũng phát triển theo hướng đi gần giống với VTV6, tức là đối tượng khán giả của họ cũng từ 18-25 tuổi.
Thế mạnh của Yan TV thiên về giải trí, âm nhạc, về những vấn đề gần gũi với người xem và có rất nhiều format hay. Yan TV có một đội ngũ làm về hình ảnh rất tốt như đồ họa, quay phim, đạo diễn hình ảnh rất chuyên nghiệp. Tôi thấy học tập được ở họ nhiều thứ, đặc biệt là cách làm thế nào cho chương trình đẹp hơn.
* Đội ngũ của VTV6 hầu hết là người trẻ. Là một người quản lí, tiếp xúc gần gũi với các bạn trẻ, chị phát huy điểm mạnh của họ như thế nào?
- Thực ra đội ngũ trẻ rất nhiều ưu điểm, họ có tâm huyết, sự mạnh dạn. Thường khi làm một thời gian và cọ xát nhiều, có những vấp váp, khó khăn, người ta sẽ bớt đi sự mạnh dạn, hoặc nản, sợ. Nhưng người trẻ thì sẽ mạnh dạn và dám làm hơn. Có một chương trình trên VTV6 mang tên Dám làm không?, đúng là chỉ có người trẻ mới đặt câu hỏi thách thức ấy. Chính vì đặc điểm đấy, họ mới tìm những con đường mới, làm những điều mới chưa ai thử.
Ở VTV6, chưa bao giờ tôi thấy các bạn ngần ngại mỗi khi chuyển format mới. Nhưng nếu ở một đội ngũ già hơn, có thể sẽ có câu hỏi “Sao phải đổi? Chương trình làm đang rất ổn mà”. Các BTV của VTV6 thì không hài lòng với điều ấy, thậm chí chưa đi hết series đang làm, họ đã nghĩ sang năm mình sẽ làm cái gì khác đi.
Tất nhiên, trong quá trình làm những cái mới thì khả năng thành công hay thất bại cũng thường xảy ra. Thế nhưng tôi nghĩ đó là con đường cần qua, những chông gai cần phải vượt. Nếu thấy rằng đội ngũ của mình còn thiếu kinh nghiệm quá và hãy cứ làm an toàn như những gì người đi trước đã làm thì sẽ phí vô cùng lượng tài nguyên về con người ấy. Cần phải cổ vũ họ vượt qua vấp váp, họ sẽ thành công.
Trong 7 năm, chúng tôi đã nhận rất nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, những bộ phim được giải rồi những giải thưởng đạo diễn, những đề cử ABU… Nếu như mình cứ hài lòng và làm theo những cách cũ: mua format của nước ngoài, Việt hóa một số kịch bản gốc mua với giá rẻ của nước ngoài… thì sẽ không bao giờ có được những thành công đó. Trồng độ khoảng 100 cái cây, chỉ cần 8-9 cây ra quả ngọt thơm lừng, tôi nghĩ cũng đáng cho cả một khu vườn.
* Là “sếp” của những người trẻ nên phong cách của chị cũng rất “xì tin”. Các bạn trẻ đã truyền nhiệt huyết tuổi trẻ cho chị hay chị tự thấy mình phải trẻ để phù hợp hơn với họ?
- Tôi là người sôi nổi. Ở VTV3, tôi là một trong những người sôi nổi, thành ra sang VTV6 cũng vậy. Tất nhiên là vì được làm việc cùng các bạn trẻ nên mình cũng cho phép mình nói chuyện với ngôn ngữ của người trẻ. Nhiều khi phát hiện ra các bạn đã trưởng thành rồi mà mình vẫn cứ như thế. Hóa ra vì mình… không kịp già đi (cười).
* Xin cám ơn chị và chúc VTV6 ngày càng thành công!