"Một thế hệ được chứng kiến và cảm nhận không gian và thời gian của ngày 30/4/1975, một thế hệ được sinh ra đúng thời điểm đất nước thống nhất" - những chia sẻ của đạo diễn trẻ Bùi Hồng Điệp sẽ giúp khán giả hiểu hơn về bộ phim tài liệu đặc biệt này. Phim dự kiến phát sóng trên VTV1 trong dịp 30/4.
Sự kiện Chiến thắng 30/4 đã là được những nhà làm phim tài liệu trong và ngoài nước khai thác khá nhiều. Khi lựa chọn đề tài này để làm phim, chị có sợ bị trùng lặp?
Lịch sử đã qua nhưng kí ức về ngày 30/4/1975 mãi còn trong tiềm thức nhiều thế hệ, là dấu nối thiêng liêng giữa quá khứ và thời tại. Có lẽ vì thế mà không chỉ những người từng bước qua những năm tháng đau thương mà cả những người may mắn thừa hưởng nền hòa bình ấm êm cũng đều thấu hiểu giá trị của tự do. Xuất phát từ ý tưởng đó, khi thực hiện bộ PTL 30 tháng 4 năm 1975: Tôi là công dân nước tự do, tôi không tìm kiếm một góc nhìn mới mà lựa chọn một khía cạnh khai thác mới, giản dị nhưng chân thực và cảm động về những người dân bình thường, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sài Thành, họ đã sống trong những năm tháng khi đất nước chia cắt hai miền Nam – Bắc nên thấu hiểu chiến tranh và chia ly. Hơn ai hết họ cảm nhận được giá trị của Thống nhất.
Bác sĩ Trần Các Hùng Dũng
Ngoài việc họ là những người dân điển hình của Sài Gòn thì lý do lựa chọn họ là nhân vật bởi họ là những người mẹ có những đứa con được sinh ra đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Việc lựa chọn này giúp tôi có được cảm nhận của hai thế hệ khi họ nói về tự do và thống nhất của một đất nước.
Điều đó có nghĩa là bộ phim sẽ mang đến khán giả những nhân vật với câu chuyện rất khác biệt?
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để xây dựng kịch bản, tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều nhân vật. Đầu tiên là gặp gỡ các nhân vật trong câu lạc bộ những người sinh ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại TP HCM. Qua đó, tôi có danh sách gần 30 người có thể liên hệ, trao đổi và bàn bạc về nội dung của bộ phim. Nhưng rất tiếc, mỗi người một công việc nên chỉ còn 8 nhân vật đồng ý nhận lời tham gia trong bộ phim, trong 8 nhân vật này thì có 3 cặp nhân vật là mẹ và con, đại diện cho hai thế hệ.
Cặp nhân vật thứ nhất là bà Phạm Thị Nga ở quận 3, TP HCM. Có lẽ suốt cả cuộc đời, bà sẽ không thể nào quên được cuộc vượt cạn thiêng liêng mang ý nghĩa lịch sử như vậy. Con trai bà - bác sĩ Trần Các Hùng Dũng hiện đang làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ như là cách nối dài cuộc hội ngộ bất đắc dĩ nhưng đầy tình nghĩa với nghề bác sĩ từ khi anh được sinh ra. Cặp nhân vật thứ hai là Bà Trương Thị Hương và con trai Trương Đức Thành. Cũng như bà Nga, bà Hương cũng sinh con đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975 và đặt tên con là Thành với ý nghĩa: Đất nước đã thống nhất, các chiến sĩ giải phóng đã tiến vào Sài Gòn, cách mạng đã thành công. Cặp nhân vật thứ ba mà chúng tôi mời tham gia bộ phim là bà Đoàn Thị Vang và con gái là chị Trần Thị Bích Phượng. Bên cạnh lí do lựa chọn cặp nhân vật này vì có con gái sinh đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì còn bởi địa điểm gia đình họ sống trước và sau ngày thống nhất là ở Hóc Môn - một trong những cửa ngõ của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn năm xưa.
Ảnh cậu bé Trần Các Hùng Dũng chụp lúc 1 tuổi trên báo Sài Gòn giải phóng
Không chỉ chia sẻ những câu chuyện cảm động, các nhân vật được đề cập đến trong bộ phim còn mang đến cho bạn cùng ekip làm phim những cảm xúc rất đặc biệt. Bạn có thể nói rõ hơn được không?
Đúng vậy! Đó cũng chính là góc nhìn khác mà chúng tôi muốn đề cập trong bộ PTL 30 tháng 4 năm 1975: Tôi là công dân nước tự do. Phải nói rằng mỗi một nhân vật, mỗi kỷ niệm mà họ kể đều khiến người nghe cảm nhận được không khí Sài Gòn năm nào. Những người mẹ không bao giờ mong muốn có chiến tranh, họ chỉ mong muốn được sống trong hòa bình và được hưởng sự thống nhất của đất nước. Còn những đứa trẻ sinh ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thế hệ đầu tiên có mặt vào giây phút nước Việt Nam nối liền hai miền Nam - Bắc, họ là thế hệ đầu tiên được coi là công dân tự do của một đất nước thống nhất, được sống trong hòa bình không hề biết đến chiến tranh. Họ đã kể những kỷ niệm khi cùng gia đình sinh sống, học tập, vượt qua những khó khăn bằng tinh thần tự do. Bản thân họ thực sự đã rất tự hào với những cái tên Giải Phóng, Thống Nhất, Hòa Bình… mà cha mẹ đã đặt cho.
Đó là xúc cảm khi bà Phạm Thị Nga nhắc lại chuyện cũ: "Tên Hùng Dũng của con trai bác không chỉ là mơ ước mà gắn với một thực tế sống động. Rạng sáng 30/4, đường sá bị tắc nghẽn. Không thể đến được Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, tôi đành ghé vào Bệnh viện Saint Paul (nay là Bệnh viện Mắt TP.HCM). Tiếng súng đạn vang khắp nơi. Phòng sinh vắng tanh, tất cả bác sĩ khoa sản đã di tản khỏi bệnh viện, chỉ còn duy nhất một nữ hộ sinh... 5h25, nữ hộ sinh vừa giúp tôi sinh xong thì một quả bom nổ ầm rung chuyển cả bệnh viện. May mà vẫn mẹ tròn con vuông!".
Còn với anh Lê Thành Nam Giải Phóng, có thể với nhiều người, niềm đam mê đặc biệt của anh với hoạt động thanh niên chỉ là ngẫu nhiên nhưng nó luôn mang đến cho anh niềm tự hào. Anh đã xúc động nói với chúng tôi: "Tôi ra đời vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 30/4/1975 - thời khắc cả miền Bắc hướng về phía những chiếc loa truyền thanh để nghe tin thắng trận ở miền Nam. Cái tên ban đầu được cha tôi chọn là Lê Thành Nam. Khi tôi chào đời được 10 phút thì quân giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, đài phát thanh liên tục truyền tin Sài Gòn giải phóng rồi bà con ơi! nên cha tôi quyết định thêm chữ Giải Phóng vào sau tên Lê Thành Nam để ghi nhớ ngày non sông liền một dải".
Anh Lê Thành Nam Giải Phóng
Thông qua những câu chuyện của các nhân vật sinh ngày 30 tháng 4 năm 1975, bộ phim muốn nhắn nhủ khán giả điều gì?
43 năm đã trôi qua nhưng hòa cùng với thanh âm của ngày chiến thắng, đâu đó, người ta vẫn nghe thấy câu chuyện về những đứa trẻ sinh ngày 30/4/1975. Những người có những cái tên đặc biệt như: Giải Phóng, Quốc Thắng, Thống Nhất, Hùng Dũng, Hòa Bình… từ khi sinh ra, cuộc đời họ đã gắn liền với khoảnh khắc thống nhất và độc lập đầu tiên của dân tộc. Họ chính là thế hệ công dân mới, khép lại quá khứ và khởi đầu cho những điều tốt đẹp ở tương lai.
Thời khắc lịch sử về ngày 30/4/1975 qua nhưng, kí ức về nó luôn nằm lại trong trái tim, khối óc của rất nhiều con người dù trực hay gián tiếp. Mỗi người một câu chuyện, mỗi cá nhân một tâm tư nhưng tựu trung lại, tinh thần ấy vẫn gắn kết nhiều thế hệ, là sợi dây xuyên suốt cho nỗ lực gìn giữ và phát huy vốn quý của dân tộc và thông điệp chúng tôi muốn gửi đến khán giả đó là: "Quá khứ đã khép lại, chiến tranh đã đi qua nhưng mỗi một sự kết thúc sẽ luôn mang đến một sự khởi đầu. Và thời khắc, khoảng khắc ngày 30 tháng 4 năm 1975 chính là một sự khởi đầu của một đất nước thống nhất, tự do".
Cảm ơn chị đã chia sẻ!