Mai Thu Huyền: "Đừng quay lưng với phim Việt"

Minh Châm (thực hiện)-Thứ năm, ngày 19/05/2011 15:00 GMT+7

Với sự quan tâm của khán giả dành cho phim truyền hình Việt Nam mà gần nhất là bộ phim truyền hình "Xin thề anh nói thật" thông qua các ý kiến phản hồi gửi về, VTV.vn đã có cuộc phỏng vấn với bà Mai Thu Huyền, Giám đốc FPT Media và cũng là Giám đốc sản xuất bộ phim này.

Xin phép được bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng vấn đề mà báo chí gần đây nhắc đến rất nhiều - chất lượng phim Xin thề anh nói thật mà FPT Media sản xuất. Với vai trò Giám đốc sản xuất, bà đã đón nhận những lời phê bình ấy như thế nào?

- Với vai trò Giám đốc sản xuất của bộ phim, tôi đã theo dõi tất cả những thông tin liên quan đến bộ phim này ngay từ ngày đầu trước khi bộ phim lên sóng. Đây là một bộ phim mà chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ từ các khâu chuẩn bị tiền kỳ, trong suốt quá trình quay ngoài hiện trường cũng như khâu hậu kỳ nên rất kỳ vọng khi bộ phim lên sóng sẽ thu hút được sự quan tâm của khán giả. Đúng là bộ phim đã dành được nhiều sự quan tâm của khán giả và báo chí trong thời gian qua nhưng với rất nhiều ý kiến trái chiều, khen có, chê có. Chính vì vậy, khi có những phản ứng gay gắt của một số bài báo thì chúng tôi ngay lập tức phải ngồi lại với nhau để xâu chuỗi lại toàn bộ các “mắt xích” tạo nên bộ phim này từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên, hình thức thể hiện… để có được đánh giá chung nhất, khách quan nhất theo như sự phản ánh của dư luận.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã rất thẳng thắn lên báo giãi bày sự bức xúc của mình. Bà nghĩ sao về những ý kiến của đạo diễn Phi Tiến Sơn trong bài viết "Tại sao Xin thề anh nói thật lại bị đánh ghê gớm đến vậy"?
- Tôi đồng ý với quan điểm của đạo diễn Phi Tiến Sơn và tôi tin vào những luận điểm của ông vì ông là 1 người đã có nhiều kinh nghiệm, lâu năm trong nghề và đã đạt được những thành công nhất định trong nghệ thuật. Tôi cũng chia sẻ với những bức xúc của ông vì ông cũng như rất nhiều các anh chị em trong đoàn làm phim đã dành rất nhiều tâm huyết cho bộ phim này. Và sau một thời gian khá lâu thì ông mới quyết định lên tiếng vì ông cảm nhận một số bài báo có những nhận định chưa khách quan nên đã làm tổn thương đến những đồng nghiệp của ông, trong khi họ đã lao động hết mình để tạo ra một tác phẩm phục vụ cho công chúng.
Liên quan đến bộ phim “Xin thề anh nói thật”, không phải vì bộ phim này do công ty tôi sản xuất mà tôi bênh vực. Đây là 1 bộ phim phục vụ nhu cầu giải trí, hướng đến đối tượng là khán giả trẻ tuổi và sử dụng thủ pháp hài hước, cường điệu để phê phán những thói xấu, cách sống thực dụng, thiếu lý tưởng của một bộ phận thanh niên trong xã hội tiêu dùng, thông qua đó gửi gắm thông điệp về giá trị gia đình và tình yêu đích thực. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đây là 1 sự thể nghiệm mới bởi hài vốn là sân chơi phổ biến cho phim ngắn tập, cho tiểu phẩm, cho sân khấu, còn giờ đây khi làm thành 1 bộ phim truyền hình dài tập thì chưa có tiền lệ nên chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn bước đầu.
Vì nghệ thuật là phải sáng tạo không ngừng nên chúng tôi chấp nhận sự khó khăn để có thể tạo ra cái mới với mong muốn mang đến cho khán giả ngày càng nhiều những món ăn tinh thần phong phú hơn.
Trong số ý kiến VTV.vn nhận được phản hồi, có nhiều khán giả rất chia sẻ với êkip và bày tỏ sự yêu mến với bộ phim nhưng cũng có 1 ý kiến khán giả cho rằng dường như êkip đang quá tự tin về chất lượng phim.
- Tôi cũng đã đọc rất kỹ tất cả các comment trên các báo có bài viết nói về bộ phim “Xin thề anh nói thật”. Chúng tôi rất cảm ơn tất cả các ý kiến của khán giả, dù khen dù chê thì đều là những ý kiến rất có giá trị. Chúng tôi sẽ tiếp thu để rút kinh nghiệm cho các dự án phim sau và luôn mong nhận được sự ủng hộ của khán giả.

‘ Hình ảnh phim "Tết cháy Ôsin" và "Lập trình cho trái tim " từng phát sóng trên VTV

Nói về bất kỳ bộ phim nào cũng cần đặt trong bối cảnh của nó. Có những bộ phim rất "hot" ở Mỹ nhưng về Việt Nam lại không phải khán giả nào cũng hưởng ứng và ngược lại. Và rồi, có nhiều nguyên nhân được nêu ra, thậm chí, có bài báo đã cho rằng nguyên nhân chất lượng phim Việt đi xuống là hậu quả của xã hội hoá. Là một người trực tiếp tham gia hợp tác cùng các đài truyền hình sản xuất các bộ phim truyền hình, bà nghĩ sao về đánh giá này?
- Trước hết, cần phải khẳng định xã hội hóa hoạt động sản xuất phim Điện ảnh và truyền hình là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước và đó là xu thế tất yếu của một xã hội phát triển, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy. Trong thời gian qua, nhờ sự sáng suốt của một chủ trương lớn (luật điện ảnh) và sự sáng tạo, quyết tâm của các đài truyền hình, phim Việt đã chiếm vị trí nhất định trên các kênh, các giờ vàng, phần nào thu hẹp được thời lượng phát sóng của các phim ngoại. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của rất nhiều nghệ sĩ, của rất nhiều đơn vị tham gia sản xuất phim (VFC, TFS, BHD, FPT Media, Galaxy, Sao thế giới…) chúng ta đã cho ra đời hàng vạn tập phim gần gũi, có tác dụng tích cực với khán giả Việt. Qua đó, khán giả đã được thưởng thức nhiều thể loại phim Việt hơn, vừa phong phú về đề tài, vừa đa dạng về hình thức, phản ánh những vấn đề đang diễn ra trong xã hội hiện đại, rất gần gũi với cuộc sống và con người Việt Nam.
Với người làm phim, xã hội hóa đã tạo ra nhiều cơ hội để các thành phần sáng tác, các nghệ sỹ, diễn viên có môi trường và điều kiện để được làm nghề. Và phim ảnh cũng là một kênh truyền thông rất quan trọng đã truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và giới thiệu văn hóa, lối sống của người Việt Nam ra bên ngoài. Đó là những mặt tích cực mà xã hội hóa mang lại.
Tất nhiên, nền sản xuất phim truyền hình của chúng ta vẫn còn rất mới mẻ, nên vẫn còn nhiều bất cập là chuyện đương nhiên. Vấn đề là chúng ta cùng nhau nhìn lại để làm sao có thể khắc phục những hạn chế và tiếp tục thúc đẩy công nghệ sản xuất phim Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa.
Đã từng sản xuất nhiều bộ phim được khán giả yêu mến trên sóng truyền hình Việt Nam như Lập trình cho trái tim, Tết cháy Osin… Nếu không có gì bí mật, bà có thể chia sẻ cho khán giả được biết về sự đầu tư dành cho một bộ phim cả về thời gian, công sức, những khó khăn phải khắc phục... lấy ví dụ như Xin thề anh nói thật?
- Có thể nói để đầu tư cho 1 dự án phim truyền hình dài tập khá là vất vả và mất nhiều thời gian. Thông thường 1 dự án phim dài khoảng 30-35 tập như “Xin thề anh nói thật” thì chúng tôi phải mất khoảng 4-5 tháng cho khâu kịch bản (từ duyệt đề cương, viết kịch bản chi tiết, biên tập, chỉnh sửa…), 1-2 tháng cho công tác chuẩn bị, lựa chọn thành phần đoàn phim, casting diễn viên, gần 4 tháng cho phần quay ngoài hiện trường, gần 4 tháng làm hậu kỳ thì phim mới tới được khán giả. Nói chung từ khâu đầu đến khâu cuối, thậm chí các khâu chạy song song thì cũng mất khoảng gần 1 năm cho 1 bộ phim. Với những dự án phim phức tạp hơn thì công tác chuẩn bị và sản xuất có thể còn lâu hơn nữa.

‘ Một cảnh trong phim "Xin thề anh nói thật"

Còn về công sức của những người làm nghề thì có lẽ ai phải thực sự có niềm đam mê thì mới làm phim được vì có thể nói làm phim là 1 trong những nghề vất vả nhất, chứ không như khán giả hình dung là diễn viên trên phim được ăn ngon mặc đẹp đâu. Chúng tôi thường phải làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, liên tục ròng rã trong suốt 4 tháng trời, không kể nắng, mưa, ngày hay đêm.
Khó khăn thì vô vàn vì hiện nay chúng ta thiếu thốn nhất là kinh phí và cơ sở vật chất. Các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc họ có hẳn 1 công nghệ làm phim rất hiện đại với các trường quay lớn được đầu tư các bối cảnh có sẵn, các máy móc, thiết bị hiện đại, các nhân sự cũng được đào tạo rất bài bản. Trong khi hiện nay hầu như chúng ta chưa có nhiều trường quay, các bối cảnh đều phải đi thuê, mượn của các cơ quan, nhà dân, khi họ thích thì có thể cho quay, khi họ không thích có thể đuổi đi giữa chừng nên kế hoạch sản xuất cũng rất bị động. Vì đầu ra của phim hiện nay vẫn còn thấp nên cũng khó có thể đầu tư lớn cho 1 bộ phim từ việc trả lương cho các thành phần sáng tác, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, phục trang, hóa trang… được vì với bất kỳ đơn vị nào kinh doanh thì cũng phải tính đến hiệu quả.
Để giải quyết được bài toán tổng thể này thì nhiều đơn vị liên quan cùng phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp khắc phục.
- Cảm ơn bà vì những chia sẻ thẳng thắn. Nếu để chia sẻ thêm một điều tới khán giả yêu phim truyền hình Việt, đặc biệt là khán giả trẻ đang được tiếp xúc với rất nhiều những phương tiện truyền thông, giải trí, hàng ngày, hàng giờ trên mạng, bà muốn chia sẻ điều gì?
Tôi chỉ mong muốn khán giả Việt Nam hãy luôn ủng hộ phim Việt Nam, đừng quay lưng với phim Việt vì hành động đó chính là các bạn đang giúp cho nền điện ảnh - truyền hình Việt Nam phát triển, đó chính là nguồn động viên rất lớn cho những người làm nghề ngày càng nỗ lực hơn nữa trong công việc của mình để cống hiến cho khán giả, để góp phần thúc đẩy phim ảnh phát triển, có như vậy thì chúng ta mới có thể sánh vai được với những nền điện ảnh - truyền hình tiên tiến trên thế giới.
Hiện nay, các bạn trẻ đang được tiếp xúc rất nhiều với các phương tiện truyền thông, giải trí hàng ngày, hàng giờ trên mạng, đó là 1 điều rất tốt nhưng chúng ta cũng cần biết phân tích và chắt lọc các thông tin để giữ vững được lập trường quan điểm và chính kiến của mình.

Tin, bài liên quan

* Báo chí đã nhầm nhân vật nhảm với phim nhảm

* Người trong cuộc nói về "Xin thề anh nói thật

* Tại sao Xin thề anh nói thật bị đánh đến vậy?

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước