Gian nan hành trình xin có con cho người chết (Chuyển động 24h, 11h30, 18/12, VTV1)

PV-Thứ bảy, ngày 15/12/2018 06:05 GMT+7

VTV.vn - Trong một số trường hợp, nếu người vợ hoặc chồng chẳng may đột ngột qua đời, thủ tục xin thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là vô cùng khó khăn.

Hành trình gian nan

6 tháng trước, người con trai duy nhất của bà Hòa và ông Minh ngụ tại đường Âu Dương Lân, Quận 8, TP.HCM  đột ngột lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà Hòa chỉ kịp nhờ bệnh viện trữ lại tinh trùng cho con với mong muốn có được một đứa cháu. Con dâu bà cũng mong muốn có con với chồng đã mất. Thế nhưng, khi bà đưa con dâu đến bệnh viện làm thủ tục xin thụ tinh trong ống nghiệm, thì bị từ chối vì lý do, con bà đã qua đời.

Bà Phạm Thị Hòa cho biết: "Tôi có tới bệnh viện xin thì thủ tục là phải xin ý kiến của Bộ Y tế vì người mất gửi vào đã mất rồi. Tôi không biết phải làm sao, tôi làm đơn ra Hà Nội, đến hôm nay… chưa thấy kết quả khả quan nào, do vướng quy định pháp luật".

Gia đình chồng bà Hòa có 7 người hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chồng bà là người duy nhất còn sống, lại là thương binh nặng. Cậu con trai duy nhất của bà thì đột ngột qua đời khi vừa kết hôn được vài tháng.

Gian nan hành trình xin có con cho người chết (Chuyển động 24h, 11h30, 18/12, VTV1) - Ảnh 1.

Hiện nay, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đã triển khai được 20 năm với kỹ thuật phát triển rất cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu người vợ hoặc chồng chẳng may đột ngột qua đời, thì thủ tục xin thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện bởi pháp luật Việt Nam chưa quy định trường hợp người chết có thể sinh con.

Bác sỹ Lý Thái Lộc - Trưởng Khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cho biết, hiện nay, quy định pháp luật chỉ cho phép sử dụng tinh trùng hoặc phôi, trứng… của bệnh nhân khi họ còn sống nhưng khi họ qua đời thì chưa có quy định.

"Tất cả các thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm phải có sự đồng thuận, được người chồng và người vợ ký. Nếu không có chữ ký của người chồng, người vợ phải có ủy quyền. Một người đã mất đi thì không có người ký giấy ủy quyền, hồ sơ đó rất khó", bác sỹ Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM cho hay.

Những gia đình hiếm muộn như bà Hòa mang nỗi đau mất con là mất đi cả niềm hy vọng lớn lao có người thờ cúng tổ tiên. Giờ đây, bà vừa chăm chồng bệnh, vừa viết đơn lặn lội gõ cửa các nơi, với hy vọng sẽ có đứa cháu lo hương khói sau này…

Trăn trở của bà, không biết khi nào mới thành hiện thực.

Thiếu quy định cho phép người chết có con

Cách đây gần 2 năm, người con trai duy nhất của bà Huyền ở quận Phú Nhuận, TP.HCM bị ung thư. Trước khi xạ trị, gia đình chị đưa con đến bệnh viện Từ Dũ xin trữ 3 mẫu tinh trùng.

Con qua đời, bà Huyền gửi đơn đến bệnh viện Từ Dũ xin thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho con dâu. Nhưng bệnh viện từ chối.

Bà Vòng Ngọc Huyền cho biết: "Tôi không hiểu pháp luật, nên phải khổ cực đi tới đi lui rất nhiều lần cả năm nay. Mọi thứ rất khổ sở, rất đau lòng, rất buồn, vì con tôi đã mất rồi. Tôi muốn có một đứa cháu nội thôi, mà bệnh viện cứ từ chối đủ lý do hết". 

Trước khi con bà qua đời, hai gia đình mới chỉ kịp tổ chức đám cưới cho con mà chưa kịp hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn. Đây là lý do, con dâu của bà gặp khó khăn xin thụ tinh trong ống nghiệm.

Bệnh viện từ chối, bà Huyền lại làm đơn xin trả lại tinh trùng của con mình. Thế nhưng bệnh viện trả lời, phải có văn bản của phòng công chứng, xác định tinh trùng này có phải tài sản thừa kế của bà hay không.

Đại diện phòng công chứng số 1 – TP.HCM cho biết, vấn đề này còn rất mới, nên sẽ xin ý kiến các cơ quan liên quan, trên tinh thần giải quyết đúng luật công chứng và luật dân sự, có xét đến yếu tố nhân đạo.

"Cái thứ nhất là trường hợp này rất mới, thứ hai là nó đặc biệt và thứ ba là nó liên quan đến vấn đề nhân đạo. Chúng tôi mới được tiếp cận hồ sơ, để có thể vận dụng quy định pháp luật và nhân đạo thì phải cho chúng tôi thời gian", ông Nguyễn Văn Hòa, Phó phòng Công chứng số 1 – TP.HCM cho biết.

Ông Hòa cho biết thêm, khi các giao dịch dân sự mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh sẽ phải chờ bổ sung quy định pháp luật.

Thế nhưng, với những hoàn cảnh đặc biệt như bà Huyền và con dâu mong muốn có đứa con, đứa cháu ẵm, bồng, bà chỉ mong, có phép mầu, được các cơ quan giải quyết linh hoạt.

Cơ quan chức năng thì giải quyết mọi việc theo pháp luật.

Với nhiều người, lại không thể chờ bổ sung quy định và hy vọng chính là động lực giúp họ vượt qua nỗi đau.

Vướng quy định, không chỉ dập tắt bao hy vọng của người trong cuộc, mà còn khiến những người thực hiện pháp luật vô cùng khó xử.

Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay, vấn đề cho phép người chết sinh con còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Một số văn bản pháp luật như: Bộ Luật dân sự, Luật Hôn nhân gia đình và các nghị định 10 năm 2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điệu kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Gian nan hành trình xin có con cho người chết (Chuyển động 24h, 11h30, 18/12, VTV1) - Ảnh 2.

Gắn bó với công việc điều trị hiếm muộn ở bệnh viện Hùng Vương nhiều năm nay, bác sĩ Lý Thái Lộc cho biết, hiện nay nhu cầu gửi giữ tinh trùng, trứng và phôi rất lớn.

Bệnh viện Hùng Vương hiện lưu trữ hàng chục ngàn mẫu phôi, trứng, tinh trùng. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, những mẫu này có thể lưu trữ vài năm, thậm chí vài chục năm.

Với thời gian lưu giữ được lâu, nhiều trường hợp người gửi giữ qua đời, gia đình, thân nhân người gửi, lại yêu cầu bệnh viện thực hiện điều trị hiếm muộn, khiến cho các bệnh viện rất khó xử.

Bác sĩ Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM nhấn mạnh: Có những trường hợp vợ hoặc chồng, người nhà đến đề nghị lấy tinh trùng làm thụ tinh ống nghiệm cho cô con dâu nhưng chúng tôi không thực hiện, vì chúng tôi chỉ giữ hộ mẫu tinh trùng cho bệnh nhân. Mọi chuyện phải chờ đến khi nào Bộ Y tế có ý kiến cụ thể.

Tại bệnh viện Từ Dũ cũng như một số trung tâm điều trị hiếm muộn khác, từng gặp trường hợp người nhà bệnh nhân đòi bệnh viện trả lại tinh trùng đã gửi, vì cho rằng đây là tài sản thừa kế của họ.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện nay, khi người gửi chết thì phải hủy tinh trùng, noãn, phôi, trừ trường hợp  có đơn đề nghị lưu giữ. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, quy định như thế là chưa rõ.

"Đây là một tài sản đặc biệt liên quan đến vấn đề nhân thân. Noãn, tinh trùng, phôi một số người muốn thực hiện quyền thừa kế, vì lý do nhân đạo thì quy định pháp luật chúng ta không có. Cần phải sửa đổi bổ sung, để đảm bảo quyền con người và quyền  nhân thân đầy đủ trong quan hệ dân sự", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM nói.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho rằng các quy định hiện nay mới chỉ tập trung vào vấn đề mang thai hộ mà bỏ ngỏ vấn đề hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân khi một trong hai vợ chồng qua đời.

Hiện nay, cả nước có trên 20 trung tâm điều trị hiếm muộn. Tại các trung tâm này đều có các "ngân hàng" lưu trữ phôi, trứng và tinh trùng…  Do đó, việc bỏ ngỏ quy định này khiến cho chính các bệnh viện không biết nên xử lý thế nào với các "tài sản đặc biệt" đang được gửi giữ tại đây.

Gian nan hành trình xin có con cho người chết (Chuyển động 24h, 11h30, 18/12, VTV1) - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay, việc lưu trữ phôi, tinh trùng, trứng có thể thực hiện hàng chục năm, trong khi luật Hôn nhân gia định quy định xác định cha mẹ cho con chỉ trong thời hạn 300 ngày kể từ khi cha hoặc mẹ qua đời. Nghĩa là những đứa trẻ sinh ra sau thời gian trên sẽ không được công nhận là con của người đã chết. 

Đây là bất cập quy định pháp luật khiến cho không chỉ người bệnh mà và ngay cả bệnh viện và các cơ quan hộ tịch cũng rất khó xử. 

Câu chuyện này sẽ tiếp tục được đề cập tới trong chương trình Tiêu điểm, bản tin Chuyển động 24h trưa thứ Ba (18/12) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước