- Phim truyền hình “Thiên thần áo trắng” của anh có nhiều siêu sao teen không?
- Nhiều teen chứ không có siêu sao teen!
- Không có siêu sao nào?
- Thực ra điện ảnh của mình làm gì có siêu sao nào đâu nên phim của tôi không có siêu sao cũng bình thường thôi.
- Bây giờ trên các bảng quảng cáo, không có siêu sao này cũng có siêu mẫu kia, không có siêu mẫu kia thì cũng có diva nọ, phim của anh không có những nhân vật vĩ đại thì liệu người ta có xem không?
- Thì tôi nói một câu cho người ta ghét luôn, có tôi vĩ đại là được rồi!
- Anh nói anh vĩ đại nhất rồi. Vậy anh Có tự lạm phát cho chính anh không vậy?
Người ta ghét tôi người ta hay nói như vậy thì tôi nói cho ghét luôn, để đỡ người ta phải chụp mũ cho xong.
- Nhân nói lạm phát, một trong những biểu hiện gần đây là người ta hay dùng ngôn ngữ, đặc biệt là trong ngôn ngữ báo cáo. Ví dụ có cụm từ rất thường xuyên là “thành công rực rỡ”, ở đâu cũng có, đặc biệt trong đại hội, báo cáo cuối năm của công ty này công ty nọ… Câu đầu tiên bao giờ cũng là “thành công rực rỡ” trong khi có những cái chẳng thành công chút nào….
- Những báo cáo mà nói quá lên chỉ là một ví dụ của thùng rỗng kêu to mà thôi. Theo tôi, về mặt khoa học thì thùng rỗng là phải kêu to. Anh vỗ vào cái thùng rỗng thì nó kêu to. Tôi thì tôi nghĩ như thế này, thùng rỗng mà nó không kêu to thì nó còn cái gì nữa, còn gì là cái thùng, là cuộc đời của nó. Rất nhiều con người, người ta chỉ còn có tiếng kêu thôi, cứ bắt người ta phải kêu nhỏ thì có bất công hay không.
Thường thì những con vật bé nhỏ hay kêu to. Không tin anh cứ nhìn con ếch, con nhái… Buổi tối anh đi, những con kêu ộp ộp oạp oạp toàn là ông ếch, ông nhái cả. Còn ông hổ, ông voi cũng gầm nhưng trầm lắm, tiếng nó không oang oang… mà âm trầm thì gọi là rền chứ không gọi là to.
Tóm lại là quyền kêu to là quyền của những sinh vật nhỏ, mình tước đi của họ cái quyền đấy và bảo rằng họ là thùng rỗng thì đôi khi tôi cho rằng bất công, rất dễ bị chụp mũ.
Thùng rỗng mà kêu to như thế thì đến lúc người ta cũng biết đó là thùng rỗng mà thôi thì được ích lợi gì mà kêu to như vậy?
Tôi thì tôi không sợ một người thùng rỗng kêu to. Thực ra thì con người nào cũng ảo tưởng về mình. Đó là điều chắc chắn! Ai cũng bằng lòng với trí tuệ của mình nhưng không ai bằng lòng với hoàn cảnh của mình cả. Đấy là chuyện thường thôi.
Chuyện kêu to của thùng rỗng, của cá nhân là sự biểu hiện tự tin. Chả nói gì, chả phát biểu gì, lúc nào cũng âm thầm, cũng khiêm tốn không phải lúc nào cũng tốt đâu. Theo tôi là như vậy!
Tốt nhất của con người là vừa phải đúng không? Nhưng làm gì có sự vừa phải ở trên đời này. Ở cực này và cực kia thì tôi cho rằng thà kêu to còn hơn là không kêu cái gì cả.
- Tôi nghĩ có nói gì thì cũng phải đúng với giá trị của mình chứ…
Đấy là cái chuẩn mực nhất đúng không? Nhưng, tôi xin nhắc lại với anh là cuộc sống không có chuẩn mực nhất. Cũng như bây giờ anh nói với tôi anh muốn có một cô vợ vừa đẹp vừa thông minh thì thôi tôi cãi anh làm gì. Nhưng trên thực tế, anh phải chọn giữa đẹp hoặc thông minh. Anh chọn cái gì anh chọn đi!
Cũng như anh làm đạo diễn thì anh muốn làm phim vừa nghệ thuật vừa ăn khách. Ai cũng biết điều đó là đúng rồi nhưng ở đây xin nói lại là không nói những điều đúng mà nó quá hiển nhiên nữa. Hiển nhiên là gì, là thùng vừa đặc vừa kêu to.
Khi người ta bí trong một không gian mãi, khi được thoát ra thì người ta bung. Sự bung ấy có thể gọi là lạm phát nhưng đứng về mặt tâm lý, cảm xúc thì anh nên thông cảm.
Thùng rỗng không nên kêu to, người ta muốn nói vấn đề là trong cuộc sống tránh khoa trương, sáo rỗng, tôi rất đồng ý. Nhưng cái điều đó rất dễ tiêu diệt tính độc đáo của mỗi cá nhân. Chỉ nên cảnh giác nó trong trường hợp nói về thành tích chung còn mỗi cá nhân hãy để cho họ nói, bởi vì có sao đâu.
Theo kinh nghiệm của một số người nước ngoài, đối tác làm ăn với Việt Nam, là nhìn vô danh thiếp của một người Việt Nam mà mình thấy ở trong đó có quá nhiều chức sắc, quá nhiều ngành nghề thì hãy biết chắc là người đó là người có hiệu quả công việc rất tệ còn nếu ngược lại, danh thiếp một người chỉ có một chức vụ thì người đó là giỏi…
Cái đó thì chưa chắc! Việc nhiều mà tệ thì nhiều khả năng nhưng một thì chưa chắc đã giỏi…
Tôi có thể nói với anh thế này, tôi đi nước ngoài nhiều thì tôi biết. Người nước ngoài, trong giao tiếp họ tỏ vẻ rất nhã nhặn nhưng khi họ ngồi với nhau thì thật ra tính kiêu kì gấp trăm lần mình.
Họ chỉ khéo ngoại giao mà thôi còn sự tự tôn, sự nghĩ mình hơn người khác, rất ghê gớm nhưng chẳng qua họ được giáo dục cao, tránh sự biểu hiện, hơn nữa họ là những người khôn khéo. Trong kinh doanh, trong giao tiếp, dạy họ rằng càng giấu cái của mình đi càng tốt để đạt được mục đích thôi, còn khi họ ngồi riêng với nhau, viết về nhau thì họ cũng rất kiêu kì, rất tự tôn. Phần lớn chúng ta là nổ thì mới khoe ra một đống.
Cuối cùng quan điểm của anh như thế nào?
Hãy để cho người ta nói. Người ta rỗng cũng được, nói cũng được còn hơn người ta không nói.
Riêng chuyện này thì tôi giữ quan điểm của tôi ngược lại với anh. Đồng ý là anh có quyền giới thiệu về mình nhưng thực sự anh phải có một tiềm năng, một khả năng đúng với điều anh nói thì nó thuyết phục hơn…
Anh nói mà anh quên mất bản thân anh, rằng một tuần có khi anh có 6 buổi nói trên sâu khấu những điều mà anh muốn, rất nhiều nhân vật mà anh gửi gắm tâm sự của anh. Như vậy một năm ít nhất anh có 200 ngày nói với hàng ngàn khán giả những điều anh muốn còn rất nhiều con người cả đời không bao giờ nói được với ai điều họ muốn nên khi họ có cơ hội, họ nói thì anh hãy thương lấy họ.
Tôi không đồng ý với quan điểm của anh Hoàng. Điều anh Hoàng nói có vẻ như là một sự cảm thông chua xót, nhưng mà đối với tôi, tôi nghĩ dù dì thì trong đời sống chúng ta cũng cần phải có một sự trung thực và nó phải dẫn dến giá trị thực vì khi mà thế hệ sau ta phát hiện ra những điều không trung thực thì dẫn đến đổ vỡ lòng tin…
Tôi không hề cổ động cho việc nói quá! Điên hay sao? Tôi là một người ít nhất không dốt. Những người không dốt thì hiểu rằng những điều nói quá là không nên nhưng tôi xin nhắc đi nhắc lại, tôi ghét nhất trên đời là chủ nghĩa vừa phải, chủ nghĩa mà ông đạo diễn nói muốn làm phim vừa hay vừa có khách, cô hoa hậu thì vừa thông minh vừa đẹp.
Ở đời những thứ tuyệt vời như thế nó không có, thường thì mình phải chọn cực này và cực kia.
Giữa một đám đông, giữa một người không dám nói và người dám nói, tôi đành chọn người dám nói, mặc dù cái dám nói đó có rất nhiều khuyết điểm. Và thực tế hiện nay, người được nói, người dám nói, dám hành động ít hơn người im lặng rất nhiều…
Anh chỉ đưa ra hai cực thôi - dám nói và không dám nói - còn nói đúng và không đúng đó là chuyện khác, anh dám nói nhưng anh nói sai với giá trị thực tế anh đang có thì điều đó không mang lại hiệu quả tốt cho xã hội…
Nói ra để biết sai còn hơn im mà không biết sai!
Như Quỳnh (ghi)
Cuộc phỏng vấn được trích trong phần rubic online, chương trình Rubic, phát sóng vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3.