Cao đẳng Truyền hình - Nơi SV học nghề bằng thực tiễn

Bài và ảnh Xuân Miên-Chủ nhật, ngày 10/03/2013 07:38 GMT+7

 “Tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên vừa nắm vững lý thuyết chuyên môn, vừa được thực hành và vững nghề” là mục tiêu mà trường Cao đẳng Truyền hình (trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) hướng tới.

Trực tiếp được thực hành trên nhiều loại hình báo chí khác nhau: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo mạng với vai trò là: Đạo diễn; Tổ chức sản xuất, Thư ký tòa soạn, Biên tập viên, Phóng viên… ngay khi còn đang học trong trường là điều mà thầy và trò trường Cao đẳng Truyền hình đang thực hiện.

Khi mới vào trường, sinh viên đã được làm quen với các công việc của nghề báo để thực hành những kiến thức tiếp thu trên giảng đường.

Mỗi tháng, sinh viên theo học ngành truyền hình được sản xuất chương trình truyền hình nội bộ với format sinh động, hấp dẫn, các chuyên ngành khác được thực hành trên tạp chí “Truyền hình trẻ” phát hành nội bộ trong trường. Mỗi sân chơi của sinh viên đều có thể xem như một “tòa soạn” để thực hành, tác nghiệp.

Nguyễn Quang Trường, SV năm thứ 2 Khoa Báo chí chia sẻ: “Khi làm chương trình truyền hình, tôi phải tập trung lên kịch bản chi tiết, làm việc với các sinh viên là quay phim, chọn MC dẫn chương trình, tác nghiệp hiện trường… Áp lực về thời gian và việc làm thế nào để có được chương trình hấp dẫn. Tuy nhiên, càng được thực hành chúng tôi càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm”.

‘ Ấn phẩm của sinh viên đang theo học tại CĐ Truyền hình

Với kinh nghiệm sản xuất Tạp chí “Truyền hình trẻ”, nhưng lần đầu tiên làm Tổng Biên tập, với Hữu Dánh, sinh viên năm thứ 3 không hề đơn giản. Dánh chia sẻ: “Công việc của Tổng biên tập rất vất vả đòi hỏi sự bao quát, tỷ mỷ. Tôi phải khẩn trương họp đội ngũ ban biên tập để triển khai sản xuất các chuyên mục. Các em là sinh viên khóa mới, Ban biên tập phải chỉnh sửa rất nhiều”.

Chia sẻ về những trải nghiệm thú vị dưới danh nghĩa phóng viên của Tạp chí “Sinh viên Truyền hình” khi phỏng vấn người nổi tiếng, Nguyễn Thùy Dung, sinh viên Khoa Báo chí tâm sự: “Khi trực tiếp phỏng vấn những người nổi tiếng như: MC Trịnh Lê Anh, ca sĩ Minh Quân, nghệ sĩ Chí Trung… cảm giác của tôi rất hồi hộp. Tôi đã phải vận dụng hết vốn kiến thức, kinh nghiệm đã học được, mạnh dạn phỏng vấn. Về đọc băng, thấy có nhiều câu phỏng vấn còn ngô nghê, khuôn hình thì cũng chưa đạt yêu cầu. Nhiều lần như vậy rồi cũng trưởng thành lên”.

‘ Cuộc thi Liên hoan phim ngắn được tổ chức hàng năm tạo cơ hội để sinh viên thể hiện khả năng nghề nghiệp.

Giảng viên Nguyễn Minh Hải, Trưởng khoa Báo chí cho biết: “Đối với nghề báo, thực hành là rất quan trọng. Các em sinh viên không chỉ cần nắm vững lý thuyết mà còn rất cần nhiều bài học từ thực tế tác nghiệp. Khi giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, chúng tôi thấy các em rất hào hứng, sáng tạo trong từng chương trình, số báo. Những vấp ngã trong quá trình thực hành tại trường sẽ là những bài học quý báu để các em trưởng thành, vững vàng hơn khi ra trường”.

Ngoài sân chơi là những tờ báo nội bộ, trường CĐ Truyền hình còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tuyển MC cho các chương trình phát thanh, truyền hình, tổ chức Liên hoan phim ngắn dành cho sinh viên… Những cuộc thi này, chính là cơ hội để các bạn sinh viên thể hiện bản thân, để học hỏi nâng cao kỹ năng tác nghiệp. Những tác phẩm đoạt giải được lựa chọn, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Cuộc thi “Liên hoan phim ngắn” được tổ chức hàng năm cũng là cơ hội để các bạn sinh viên thể hiện khả năng của mình. Một số môn học tại trường được các nhà báo nổi tiếng của Đài THVN trực tiếp giảng dạy.

‘ Các ngành học trong trường CĐ Truyền hình đòi hỏi tính thực tiễn cao

Tại trường Cao đẳng Truyền hình, các chuyên ngành học đều đòi hỏi tính thực tiễn cao. Bạn Như Quỳnh, cựu sinh viên của trường hiện là phóng viên báo Dân trí chia sẻ: “Khi tham gia các sân chơi báo chí trong nhà trường cũng có nhiều áp lực, nhưng qua đó, sinh viên lớn lên rất nhiều. Nếu được cọ sát làm báo ngay năm đầu tiên ở giảng đường, khi ra trường các bạn sẽ không bỡ ngỡ nhiều”.

Ban Nguyễn Thành Tâm, SV cao đẳng liên thông khóa 6 cho biết: “Tôi tham gia tuyển giọng phát thanh viên cho báo phát thanh nội bộ, nhận thấy có giọng tốt các thầy cô đã khuyên tôi rèn luyện thêm. Được nghe giọng đọc của mình trên sóng phát thanh của trường, cảm thấy rất vui. Tôi cũng đang là cộng tác viên cho một số chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên”.

Thực tiễn báo chí hiện nay cho thấy sinh viên ra trường vẫn còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm báo. Với phương thức đào tạo hướng đến hoàn thiện kỹ năng nghề cho sinh viên là rất cần thiết đối với đào tạo báo chí, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý luận với thực tiễn.

‘ Sinh viên tự tổ chức Game Show và ghi hình tại trường quay

Những ngày này, thầy và trò trường Cao đẳng Truyền hình đang hân hoan chào đón ngày thành lập trường (10/3/1956 - 10/3/2013). Gần 60 năm trưởng thành, địa chỉ thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã trở quen thuộc với nhiều thế hệ học trò.

Đưa ra những cách thức giảng dạy hiệu quả luôn là mục tiêu của nhà trường nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn làm báo. Với phương thức đào tạo hướng đến kỹ năng nghề, chắc chắn trường Cao đẳng Truyền hình sẽ luôn là địa chỉ đào tạo tin cậy cho những ai muốn đến với nghề truyền hình nói riêng và nghề báo nói chung.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước