(Nhà báo Kim Ngân phỏng vấn một cựu chiến binh Nga trong chuyến đi khảo sát - Ảnh: VTV)
Sau khi chiếm hầu hết châu Âu, ngày 22/6/1941, phát xít Đức với lực lượng vũ trang hùng hậu bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô, vi phạm những hiệp định đã ký kết trước đó giữa hai nước. Một cuộc chiến tranh đã bắt đầu. Người dân Xô Viết gọi đó là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại hay cuộc Chiến tranh thần thánh.
Ngày 7/11/1941 kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10, một cuộc duyệt binh đặc biệt đã được tổ chức bất chấp những khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đang ở cửa ngõ Matxcơva. Từ Quảng trường Đỏ, các binh chủng của Hồng quân trong trang phục và vũ khí chiến đấu tiến thẳng ra mặt trận...
Cuộc Chiến tranh Vệ quốc ấy đã kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng trăm, hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ, vô cùng khốc liệt; lôi cuốn hàng trăm triệu người con của cả Liên bang Xô Viết cùng các quốc gia châu Âu tham gia.
Nhân kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ cũng như năm bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Đài Truyền hình Việt Nam quyết định tổ chức một Cầu truyền hình trực tiếp đặc biệt với hai đầu cầu là thủ đô Hà Nội và thủ đô Matxcơva của Liên bang Nga, mang tên “Bài ca chiến thắng” vào ngày 31/10/2011.
Điểm cầu tại Hà Nội sẽ là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Trong khi đó, tại xứ sở bạch dương, điểm cầu được chọn là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật của khách sạn Kosmos, thủ đô Matxcơva.
Với quy mô lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và đầu tư cả về con người, thiết bị kỹ thuật và kinh phí tổ chức, Cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng” không chỉ là một trong những chương trình lớn nhất năm 2011 của VTV mà còn là chương trình nổi bật của Đài Truyền hình Việt Nam trong nhiều năm qua.
‘ Nhà báo Lại Văn Sâm tại bảo tảng lịch sử Saint-Petersburg (Ảnh:VTV)
Về nội dung của chương trình, theo nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng ban Thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế, tổng đạo diễn của toàn bộ chương trình, Cầu truyền hình Bài ca chiến thắng không phải là một chương trình chính luận tái hiện lịch sử.
“Trong khoảng 3h của cầu truyền hình, chúng tôi chỉ muốn điểm lại những mốc lịch sử quan trọng nhất kể từ năm 1941 cho tới ngày chiến thắng 9/5/1945. Cách mà chúng tôi làm không phải là kể lại các sự kiện lịch sử mà chúng tôi muốn truyển tải tất cả những dữ liệu liên quan tới cuộc chiến tranh này, về đất nước, về những thành phố, về những sự kiện và đặc biệt là về thân phận con người trong chiến tranh qua những bài hát Nga, giai điệu Nga đúng với cách mà VTV3 đã thực hiện những chương trình lớn nhỏ ở trong nước và ngoài nước những năm qua. Cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng” chắc chắn sẽ là một chương trình nghệ thuật đặc sắc với rất nhiều bất ngờ dành cho khán giả”, nhà báo Lại Văn Sâm cho biết.
Để chuẩn bị cho cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng”, cuối tháng 8 vừa qua, một đoàn tiền trạm của VTV bao gồm 10 thành viên do nhà báo Lại Văn Sâm làm trưởng đoàn đã có mặt tại nước Nga với mục đích tìm hiểu cơ hội thực hiện một cầu truyền hình trực tiếp giữa Hà Nội và Matxcơva. Sau 10 ngày dày đặc các lịch làm việc tại xứ sở bạch dương, khung cơ bản của Cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng” tại Nga do nhóm công tác thực hiện đã cơ bản định hình.
Hiện nay, quá trình chuẩn bị cho Cầu truyền hình vẫn đang được êkip sản xuất, thuộc Ban Thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế gấp rút hoàn tất với mong muốn đem đến cho khán giả một chương trình lớn, giàu ý nghĩa lịch sử, được dàn dựng công phu và giàu tâm huyết của những người thực hiện.
Cầu truyền hình Hà Nội – Matxcơva mang tên Bài ca chiến thắng, sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 31/10/2011 trên kênh VTV3 và VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam.