Ai cũng xứng đáng có "8 tiếng trọn vẹn" tại nơi làm việc

PV-Thứ hai, ngày 08/04/2019 17:00 GMT+7

VTV.vn - Ai cũng phải làm việc, nhưng không phải ai cũng được nhìn nhận và đối xử bình đẳng, công bằng.

8 tiếng trọn vẹn ẩn chứa thông điệp về ước muốn đem lại một môi trường an toàn, nơi mọi người được công nhận đúng với thực lực của mình.

Tính trung bình, phần lớn chúng ta dành 8 tiếng mỗi ngày ở nơi làm việc. Có người nhiều hơn, có người ít hơn. Lý tưởng mà nói, chúng ta cần ngủ đủ 8 tiếng để khỏe mạnh, 8 tiếng để đi làm, 8 tiếng ít ỏi còn lại dành cho bản thân và người thân. Quả thực với quỹ thời gian ít ỏi như thế, thì không ai trong chúng ta mong muốn biến 8 tiếng làm việc của mình thành 8 tiếng chịu đựng. Tuy nhiên, thực tế lại hiếm khi màu hồng như vậy.

Xã hội càng phát triển, nữ giới càng có nhiều cơ hội học hành và làm việc hơn. Bỏ lại sau lưng thời kì phong kiến, họ đã vươn lên mạnh mẽ chẳng kém gì phái mày râu. Những gì họ đóng góp cho xã hội không kém gì những giới còn lại. Bên cạnh đó, họ vẫn tiếp tục gánh vác việc chăm sóc con cái, cha mẹ, đảm đương cả việc đối ngoại - đối nội của gia đình.

Với tất cả những điều đó, hẳn người phụ nữ xứng đáng xã hội công nhận và đối xử ngang bằng với phái mạnh. Thế nhưng đáng buồn là, tình trạng phân biệt đối xử vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên trong xã hội. Cùng một công việc, người phụ nữ sẽ bị trả lương kém hơn, họ cũng bị hạn chế các cơ hội thăng tiến và phát triển. Thậm chí, những người con gái đến tuổi mà chưa lấy chồng, vẫn tiếp tục con đường sự nghiệp còn bị dè bỉu là cây khô không quả, người độc không con. Thực tế là, xã hội vẫn nhìn nhận và đối xử với người phụ nữ với cái vòng kim cô là "người xây tổ ấm", đồng thời phủ định khả năng cũng như những đóng góp của họ.

Ai cũng xứng đáng có 8 tiếng trọn vẹn tại nơi làm việc - Ảnh 1.

Ở chiều ngược lại, nam giới cũng là nạn nhân của định kiến xã hội. Đàn ông là phải thành đạt, biết kiếm tiền, có nhà lầu xe hơi, vợ hiền con thơ từ lâu đã trở thành hình mẫu lí tưởng trong tâm trí người Việt Nam. Đối với những người đàn ông không đạt được điều đó hoặc chọn cách sống nội trợ sẽ bị mọi người dè bỉu là yếu đuối vô dụng. Điều này vô hình trung tạo áp lực lớn lên cánh mày râu, biến họ thành những cỗ máy kiếm tiền, và ngày càng đẩy họ xa rời khỏi những công việc chăm sóc gia đình, con cái.

Ai cũng xứng đáng có 8 tiếng trọn vẹn tại nơi làm việc - Ảnh 2.

Không thiếu ví dụ cho thấy những định kiến như vậy đã gây không ít nỗi khổ cho nhiều cá nhân và tạo ra nhiều bất công đối với người lao động. Đây vẫn là đề tài muôn thửa bao lâu nay, và thật khó để mà những định kiến từ ngàn năm trước một sớm một chiều biến mất. Tuy nhiên đấy không phải là lí do cho sự thờ ơ của chúng ta, mà trái lại chúng ta cần phải đứng lên chống lại những định kiến và bất công với người lao động, trả lại cho họ 8 tiếng lành mạnh họ vốn xứng đáng được hưởng.

Ai cũng xứng đáng có 8 tiếng trọn vẹn tại nơi làm việc - Ảnh 3.

Thông qua cuộc thi "8 tiếng trọn vẹn", mọi người đều có cơ hội lên tiếng nhằm lan tỏa nhận thức về bình đẳng giới trong việc làm, góp phần tạo nên một môi trường tốt đẹp hơn cho người lao động. Đây là cuộc thi làm phim ngắn đặc biệt, dành cho cả phim truyện lẫn phim tài liệu (ở hai hạng mục riêng biệt), do CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ truyền thông của TUVA Communication. Đây là một phần trong sáng kiến Đầu tư vào Phụ nữ (Investing in Women) được Chính phủ Úc tài trợ để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước