Ngày 21/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp triển khai Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ đạo làm rõ yêu cầu của Quyết định 436/QĐ-TTg, từ đó, góp ý xây dựng kế hoạch triển khai khung trình độ giáo dục quốc gia đối với giáo dục đại học (GDĐH), đề ra mục tiêu, nội dung, mốc thời gian,… cụ thể. "Mục tiêu lớn nhất và sau cùng là kiểm soát chất lượng, đồng thời không hạn chế, cản trở sự phát triển đa dạng của chương trình đào tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế" - Thứ trưởng nhấn mạnh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho giáo dục đại học
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Luật 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã trao sự tự chủ rất lớn cho các trường. Luật cũng quy định "Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học".
Theo đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho GDĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, thái độ,… tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí này cũng là căn cứ để xây dựng hệ thống đảm bảo và đánh giá chất lượng, kiểm định chương trình. Các tổ chức kiểm định phải sử dụng bộ tiêu chí để đối chiếu khi thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục Việt Nam. Các cơ sở GDĐH có trách nhiệm, căn cứ chuẩn tối thiểu đó để xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, đồng thời, không ngừng tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GD ĐH.
Dự kiến, kế hoạch triển khai bao gồm: Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH; Xây dựng và ban hành các văn bản, quy định, tài liệu hướng dẫn thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH; Thành lập các hội đồng tư vấn khối ngành để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH cho các ngành, nhóm ngành thuộc các lĩnh vực; Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong GD ĐH; Cơ sở GDĐH rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo quy định của chuẩn chương trình; Xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH với Khung tham chiếu trình độ ASEAN;…
Tham gia góp ý cho việc triển khai kế hoạch 436/QĐ-TTg, TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GDĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng khung trình độ quốc gia đối với GDĐH để đáp ứng cơ hội quốc tế hóa, tạo cơ hội cho lao động có trình độ đại học tại Việt Nam làm việc trong khối ASEAN.
Nhấn mạnh yêu cầu về kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng, đặc biệt là thích ứng với 4.0 đối với nguồn nhân lực hiện nay, ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, nên có sự tham gia xây dựng chương trình của đại diện doanh nghiệp, tập đoàn lớn - đơn vị trực tiếp sử dụng lao động. Đồng thời cần ưu tiên đầu tư cho những ngành mũi nhọn, ngành thế mạnh của GDĐH Việt Nam đã được bảng xếp hạng uy tín của thế giới công nhận.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Vụ GDĐH tiếp thu tối đa kinh nghiệm xây dựng khung trình độ quốc gia của các nước trong khối ASEAN, với hướng tiếp cận theo chuẩn chất lượng chứ không phải chương trình khung, là chuẩn tối thiểu cho chương trình đào tạo trên lãnh thổ Việt Nam mà vẫn đảm bảo sự sáng tạo của các trường.
Thứ trưởng yêu cầu, các tiêu chí đưa ra phải đo được, kiểm đếm được; đồng thời khích lệ các trường học hỏi lẫn nhau và học hỏi thế giới. Kế hoạch triển khai cần bám sát Quyết định, và thực hiện với những ngành/ nhóm ngành khả thi trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!