Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; quán triệt phương hướng triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới và giải đáp, tháo gỡ khó khăn của các Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 131/QĐ-TTg về Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Giáo dục đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ, xây dựng nền giáo dục thông minh, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Thứ trưởng nhìn nhận dịch COVID-19 đã khiến toàn ngành chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, dù khó khăn nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần thực hiện ba mục tiêu trong năm học gồm: an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng. Ngoài ra, chuyển đổi số đã giúp ngành Giáo dục tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng.
Đánh giá cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của thầy - trò cả nước thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ hy vọng, công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông; tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, 710 Phòng Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh, hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.
Chuyển đổi số giúp việc quản lý giáo dục khoa học và minh bạch hơn; các cơ sở dữ liệu ngành, công nghệ dữ liệu lớn (big data) giúp công tác dự báo chính xác hơn, việc ban hành và thực thi chính sách giáo dục hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non; nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các Sở, Phòng; đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành về giáo dục đại học. Bộ cũng đang xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực truyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông, xây dựng Khoa học liệu số dùng chung (bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12 do các trường Đại học Sư phạm xây dựng) nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục tới tất cả học sinh, đặc biệt là các em ở khu vực còn khó khăn. Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cơ sở giáo dục cũng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thủ tục để ban hành.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận về những thuận lợi, cũng như khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục. Theo đó, hiện nay nhiều địa phương đã làm tốt, làm sâu, hiểu các vấn đề của chuyển đổi số. Tuy nhiên, hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ; thiếu cơ chế cho phép, hướng dẫn thử nghiệm các mô hình mới. Nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và việc trang bị kiến thức, kỹ năng số chưa đến được tất cả cán bộ quản lý giáo dục, người dạy, người học. Nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp.
Các đại biểu cho rằng, với áp lực của hội nhập quốc tế sâu rộng và các mục tiêu cải cách hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ, ngành Giáo dục cần phải triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!