Vụ sai sót đề thi ở Quảng Bình: Giáo viên nói sai 2 câu, Sở giải thích chỉ sai 1

Hoài Thương-Thứ sáu, ngày 15/12/2023 11:39 GMT+7

Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi năm học 2023-2024 tại Quảng Bình

VTV.vn - Trong khi giáo viên chia sẻ, đề thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 9 năm học 2023-2024 sai 2 câu, thì Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình lại cho rằng chỉ sai 1 câu.

Sai đề thi do lỗi in ấn

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình thừa nhận có sai sót trong khâu ra đề thi môn Tin học lớp 9 trong kỳ thi chọn HSG tỉnh năm học 2023-2024.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 là hoạt động chuyên môn hằng năm của Sở và được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ đúng Quy chế thi do Sở ban hành. Trong đó, công tác ra đề thi được thực hiện cách ly triệt để với 3 vòng độc lập, đúng theo quy trình.

Vụ sai sót đề thi ở Quảng Bình: Giáo viên nói sai 2 câu, Sở giải thích chỉ sai 1 - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 9 ở Quảng Bình, trang 1

Vụ sai sót đề thi ở Quảng Bình: Giáo viên nói sai 2 câu, Sở giải thích chỉ sai 1 - Ảnh 2.

Đề thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 9 ở Quảng Bình, trang 2

Tuy nhiên, đã xảy ra việc sai sót ở câu 3: Yêu cầu độ dài của mật khẩu trong đề thi sau khi tổ ra đề và phản biện đã thảo luận thống nhất là 6. Nhưng do quá trình sao chép để in ấn có sự nhầm lẫn nên đã sao chép nhầm đề thi trước khi thảo luận, nên quy định về độ dài mật khẩu trong đề in sao là 8. Vì vậy, ví dụ trong đề thi chưa đúng với yêu cầu của đề thi.

Sau khi thi xong có thông tin phản ánh, tổ chấm thi đã tiến hành thảo luận, báo cáo với Hội đồng chấm thi thống nhất và cho điểm tuyệt đối điểm của câu 3 cho tất cả các thí sinh để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Chính vì thế, vẫn có điểm 10 tuyệt đối cho 3 thí sinh ở bộ môn này, gồm hai thí sinh ở huyện Lệ Thủy và 1 thí sinh ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Về việc ở câu 4 đề thi môn Tin học, theo giải thích của đại diện Phòng khảo thí chất lượng thuộc Sở GD-ĐT Quảng Bình, nhóm ra đề đã thảo luận thống nhất là học sinh muốn đạt điểm tuyệt đối thì cần làm được cả hai hướng Duyệt và Quy hoạch động. Học sinh cũng có thể có các phương án thông minh khác như Tham lam và kết hợp các phương án thì mới đạt điểm tối đa. Học sinh làm phương án duyệt sẽ không thể có điểm đối với điều kiện ở quy hoạch động. Do đó, trong quá trình sinh test ngẫu nhiên, để đảm bảo phương án phân hoạch điểm học sinh, nhóm ra đề phải đặt giá trị của N sao cho phương án Duyệt không thể có điểm ở các test dành cho phương án Quy hoạch động. Nên chọn điểm giữa N=100 là phù hợp. Vì với điểm giữa N<100 thì phương án Duyệt xác suất cao có thể nhận được điểm tối đa, sẽ không phù hợp với yêu cầu phân hoạch điểm của bài toán. Cái quan trọng là khi n tăng thì xác suất giải được của phương án duyệt giảm dần. Đến n=100, k=10 mũ 9 thì xác suất phương án duyệt giải được là thấp. Do đó, chọn mốc n=100 để phân hoạch bài toán.

Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình khẳng định, việc phản ánh của giáo viên về sai sót ở câu 4 là mang tính chủ quan và không phù hợp.

Vụ sai sót đề thi ở Quảng Bình: Giáo viên nói sai 2 câu, Sở giải thích chỉ sai 1 - Ảnh 3.

Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi môn Tin học năm học 2023-2024 tại Quảng Bình

Giáo viên khẳng định sai 2 câu

Tuy nhiên, giáo viên phụ trách môn Tin học cấp THCS ở Quảng Bình lại cho rằng, bộ phận ra đề đã không lường trước được rằng với n từ 60 đến 100 thì phương án duyệt chạy trong 1 giây là không thể thực hiện được, và cũng với điều kiện n như vậy mà k xấp xỉ 109 thì phương án quy hoạch động cũng không thể thực hiện được. Vậy với ràng buộc "Có 70% số test tương ứng với 70% số điểm của câu có (1 ≤ N ≤ 100, 105 ≤ K ≤ 109)" là ý chủ quan và thiếu tầm soát của bộ phận ra đề.

Chính cái ràng buộc không thể giải này làm cho những học sinh có năng lực tốt mất nhiều thời gian tìm lời giải cho một bài toán không thể giải được dẫn đến kết quả không tốt. Học sinh khi đi thi đã phát hiện ra vấn đề không thể giải. Một mệnh đề được khẳng định là đúng khi nó đúng trong mọi trường hợp, chỉ cần 1 trường hợp sai thì không thể nói mệnh đề đó đúng được.

"Đồng ý rằng đề thi môn Tin học dành cho học sinh giỏi là phải khó dần để phân loại học sinh. Tuy nhiên khó thì cũng phải giải ra chứ không thể khó đến mức người ra đề cũng không thể giải ra". Giáo viên này nhận định.

Ngoài ra, một giáo viên khác chia sẻ, câu 3 và câu 4 là để phân loại thí sinh giỏi và xuất sắc. Tuy nhiên, để xảy ra sai sót đúng vào câu khó thì liệu kỳ thi học sinh giỏi có đánh giá được thực chất năng lực của học sinh? Vì vậy, có chăng cần phải tổ chức lại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 môn Tin học với một đề thi hoàn toàn khác, mới có thể đảm bảo được tính công bằng của kỳ thi chọn học sinh giỏi của tỉnh Quảng Bình.

Vụ sai sót đề thi ở Quảng Bình: Giáo viên nói sai 2 câu, Sở giải thích chỉ sai 1 - Ảnh 4.

5/12, hơn 1800 học sinh lớp 9 và lớp 12 thi học sinh giỏi năm học 2023-2024 ở Quảng Bình

Được biết, việc ra đề thi học sinh giỏi lớp 9 ở tỉnh Quảng Bình do giáo viên cấp THPT phụ trách. Năm nay, Tin học có 80 thí sinh dự thi, đề thi có 4 câu hỏi và thời gian làm bài là 150 phút. Trong 80 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn tin học, có 22 học sinh đạt từ 8,25 điểm trở lên.

Hiện Sở GD-ĐT Quảng Bình đã đưa ra giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Sau đó sẽ xem xét trách nhiệm của người ra đề để xảy ra sai sót này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước